Ở tuổi 30, Lu Xixi đã xin nghỉ việc tại một công ty được coi là “gã khổng lồ về Internet” mà chưa tìm được việc khác. Thay vì tìm một công việc mới, cô chia sẻ về quá trình thôi việc trên các nền tảng mạng xã hội như Xiaohongshu và Douyin, thu hút hơn 120.000 người theo dõi.
Lu cho biết thông qua việc phát trực tiếp (livestream), cô có thể kiếm được hơn 50.000 nhân dân tệ (khoảng 6.905 đô la Mỹ) hồi tháng 8 năm nay.
Các nền tảng truyền thông xã hội ở Trung Quốc gần đây đã chứng kiến sự gia tăng của các blogger như Lu - những người bắt đầu việc livestream sau khi nghỉ việc.
Một báo cáo phân tích cho hay, những người tham gia chủ đề "Tôi đã nghỉ việc" trên Xiaohongshu đã tăng 21.232 người trong nửa đầu năm, phần lớn là cựu nhân viên từ các công ty lớn như ByteDance, Tencent và Alibaba.
Đăng các tiêu đề thu hút sự chú ý như "một lượt thích và tôi nghỉ việc", là động thái khởi đầu điển hình của nhiều blogger này để thu hút lượng người truy cập và theo dõi ban đầu, khiến họ được gắn mác "blogger nghỉ việc".
Nhiều người theo dõi các blogger nghỉ việc như một hình thức thể hiện cảm xúc. Những blogger này nghỉ việc và theo đuổi cuộc sống mà những người khác mơ ước.
Xia Zhinan - Trưởng khoa Viện nghiên cứu Newrank nói rằng, những năm gần đây, áp lực việc làm ở Trung Quốc rất cao, khi các công ty thường xuyên cắt giảm chi phí, muốn tăng hiệu quả và sa thải nhân viên. Sự gia tăng các blogger nghỉ việc phản ánh sự không hài lòng của thế hệ trẻ với nơi làm việc và phong cách làm việc truyền thống.
Việc Lu từ chức vào tháng 10 năm ngoái trùng với thời điểm công chúng ngày càng thảo luận nhiều hơn về các vấn đề việc làm ở Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Xiaohongshu, các bài đăng liên quan đến nơi làm việc đã tăng 132% so với cùng kỳ tháng 9 năm ngoái.
Lu cho biết khi được phỏng vấn, "hồi đó, chồng tôi và tôi đều làm việc tại các công ty Internet lớn và việc sa thải diễn ra rất khắc nghiệt. Cả hai chúng tôi đều gần 30 tuổi và rất có thể sẽ mất việc nếu tiếp tục làm việc tại các công ty công nghệ lớn này".
Lu Xixi so sánh việc viết blog xin nghỉ việc với các công việc giao đồ ăn, coi đây là giải pháp dự phòng phổ biến của những người thất nghiệp. "Nó giống như một hồ chứa cho những người thất nghiệp vậy", cô nói.
Thị trường Internet công nghiệp ở Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy việc làm ở Trung Quốc, nhưng ngành này đang chứng kiến tình trạng sa thải liên tục trong những năm gần đây. Năm ngoái, Alibaba đã sa thải khoảng 20.000 nhân viên, nhiều nhất trong một thập kỷ. Trong khi đó, lực lượng lao động của Tencent cũng giảm khoảng 3.000 người.
Giống như Lu, một blogger có tên là Yuanbaomei đã làm việc cho 3 công ty Internet, chịu khối lượng công việc gần như liên tục trong 6 năm sau khi tốt nghiệp, hiếm khi nghỉ hơn một ngày. Cô thậm chí còn phải mang máy tính xách tay theo để làm việc trong chuyến đi đến Tây Tạng, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. “Ô tô cần được bảo dưỡng, con người cũng vậy,” cô gái này nói và cho biết đã nộp đơn xin nghỉ việc hồi tháng 4 vừa qua.
Trở thành “công ty một thành viên” hay quay trở lại với những gã khổng lồ Internet?
Nhưng việc rời khỏi thị trường Internet công nghiệp phức tạp này cũng đi kèm với những thách thức mới.
Khi nghỉ việc, Lu Xixi đã tận dụng kinh nghiệm làm việc và đăng nội dung trên mạng kiểu như "Tôi đã nghỉ việc tại một gã khổng lồ Internet và cuối cùng có thể nói ra sự thật", thu hút hơn 1.000 lượt thích, nhanh chóng có nhiều người theo dõi và thậm chí thu hút các hợp đồng quảng cáo. Nhưng thu nhập từ các hợp đồng quảng cáo không thể bằng mức lương trước đây của Lu, và việc không có quảng cáo trong thời gian nghỉ gây tâm trạng lo lắng bất ổn.
Lu nhận ra cô không thể chỉ là một blogger, mà còn phải "làm kinh doanh". Cô bắt đầu tổ chức các buổi bán hàng trực tiếp và cung cấp dịch vụ tư vấn trả phí cho những người tìm kiếm các cuộc phỏng vấn xin việc và chuyên môn quản lý truyền thông cá nhân, dần dần giúp tăng thu nhập.
Nhưng không phải mọi chuyện đều suôn sẻ với những blogger thất nghiệp này.
Lu Xixi hiện coi mình là "công ty một thành viên" - dù phải làm rất nhiều việc, nhưng cô tìm thấy niềm vui thực sự khi được làm những gì mình đam mê.
"Tôi khao khát sự tự do. Hơn nữa, tôi sợ sự kỳ thị với tuổi tác và thực tế là tôi đã kết hôn mà không có con, điều đó thực sự ảnh hưởng đến sự nghiệp", cô nói.
Một tháng sau khi xin nghỉ việc, Yuanbaomei đã than thở trên Xiaohongshu với 15.000 người theo dõi rằng, ngay cả khi là một blogger nghỉ việc, áp lực tài chính và căng thẳng vẫn hiện hữu. "Dù kiếm được nhiều tiền hơn công việc hiện tại, nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng.” Điều gây mâu thuẫn là, cô cảm thấy sợ hãi mỗi khi kiếm được tiền. "Số tiền này có đủ không? Tôi có thể kiếm được nhiều như vậy nữa không?" - cô tự hỏi.
Sau đó, Yuanbaomei nghĩ rằng mình cần một sự an toàn về mặt tâm lý để duy trì thói quen và sức khỏe tinh thần. Vào tháng 7, cô đã kết thúc thời gian tạm nghỉ 2 tháng và quay trở lại làm việc.
Nền tảng tuyển dụng Liepin ghi nhận rằng những blogger nghỉ việc đang dần trở lại với công việc. Bởi hầu hết những blogger thất nghiệp này không thể duy trì cuộc sống như vậy trong một thời gian dài. Việc sáng tạo và quản lý nội dung mỗi ngày cực kỳ tốn thời gian và đòi hỏi yêu cầu cao, thường chỉ duy trì được trong khoảng 6 tháng. Nếu không thể tạo ra lượng truy cập và kiếm tiền từ nội dung của mình thông qua việc quảng cáo hoặc bán hàng, họ sẽ nhanh chóng gặp vấn đề về thu nhập. Các cá nhân phải cân nhắc cẩn trọng liệu có thể sống sót nếu nghỉ việc, bên cạnh đó cũng nên thoát khỏi những kỳ vọng của xã hội và dành thời gian để tìm ra con đường mình thực sự yêu thích.
Nhiều bài thảo luận về các blogger xin nghỉ việc vẫn đang thu hút sự chú ý trên Xiaohongshu và Douyin, bởi về cơ bản đây vẫn là những sản phẩm ghi lại đời sống của một bộ phận giới trẻ.
Mặc dù Yuanbaomei không thích bị dán nhãn là "blogger nghỉ việc", nhưng cô vẫn coi trọng những trải nghiệm độc đáo của mình với vai trò là người sáng tạo nội dung.