Sau khi cổ phần hóa, từ tháng 8-2007, Cty Cổ phần Thiết bị Giáo dục I tiếp tục huy động vốn của gần 30 cán bộ công nhân viên cũ trong cơ quan để kinh doanh. Tổng số tiền công ty vay khoảng hơn 5 tỷ đồng. Việc chi trả mức lãi theo khung ngân hàng nhà nước quy định. Mọi việc đang diễn ra bình thường thì từ tháng 6-2011 đến nay, tất cả người cho vay không nhận được một đồng tiền lãi nào, có người muốn rút tiền ra cũng không xong.
Gõ cửa báo Tiền Phong, bà Phạm Thị Liên ở D1, tập thể Kim Liên (Đống Đa) khóc kể, do tin tưởng là một doanh nghiệp giáo dục, bà đã cho công ty vay toàn bộ số tiền 200 triệu đồng từ tháng 4-2008 mà bà dành dụm cả đời để dưỡng già.
“Tôi bị cùng một lúc 3 loại bệnh: Tim, liệt rung (parkinson) và khớp. Bác sĩ bảo hiện khớp gối phải thay nhưng bây giờ không biết lấy đâu ra tiền để chữa trị. Đòi mãi rồi nhưng công ty không thèm hồi âm, gửi đơn đến Thanh tra Bộ Giáo dục vẫn không thấy gì”- bà Liên nói.
Bà Liên cho biết hoàn cảnh của bà Thành (em ruột bà Liên) còn đáng thương hơn. Do công ty không trả lãi suốt mấy tháng nay, nên bà Thành không có tiền để sinh sống, phải vào trong TP Hồ Chí Minh cậy nhờ vào con cái. Nhiều người chung cảnh ngộ với bà Liên như bà Võ Thị Tích ở Trường Chinh, bà Phạm Thị Thành ở Hàng Hòm (Hoàn Kiếm).
6 tháng không thể bàn giao xong
Làm việc với P.V báo Tiền Phong, bà Hoàng Thị Kim Loan, Tổng giám đốc Cty nói rằng, số tiền trên được công ty vay từ thời lãnh đạo cũ, tức thời ông Nguyễn Ngọc Hải- nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (bà Loan có quyết định bổ nhiệm chức tổng giám đốc từ tháng 6 đến nay).
“Khi nhận nhiệm vụ, tôi mới biết đến khoản vay này, mặc dù thời điểm đó tôi là Phó Chủ tịch HĐQT của Công ty”- bà Loan nói. Việc công ty không đoái hoài đến khoản nợ trên là do lãnh đạo mới “chưa thể bàn giao xong”. Giải thích vì sao đã gần nửa năm trôi qua, vẫn không xong chuyện bàn giao để công ty tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ tài chính như bất kỳ một pháp nhân thông thường nào khi chuyển đổi lãnh đạo, bà Loan cho biết, do phía lãnh đạo cũ chưa đối chiếu xong công nợ, tài khoản trong công ty trống rỗng.
"Chúng tôi phải lập một hệ thống sổ sách mới để duy trì hoạt động từ đầu tháng 7 đến nay. Hơn nữa không rõ đây là tiền của công ty vay hay do cá nhân ông Hải vay”- bà Loan nói.
Theo ban lãnh đạo mới của công ty, tình hình tài chính để lại từ thời lãnh đạo cũ “rất yếu kém”. Riêng số tiền mà các cá nhân cho công ty vay đã là 11,9 tỷ đồng, chưa kể đến hơn 10 tỷ đồng tiền mà công ty nợ nhà nước như thuế VAT, thuế nhà đất và cả tiền bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, giải thích với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Hải- nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty cho biết ông chỉ là người thay mặt công ty vay tiền của cán bộ công nhân viên, nguồn tiền ấy đã đưa vào dòng tài chính của công ty, có sổ sách đàng hoàng. Nay ban lãnh đạo mới khi tiếp nhận đương nhiên gánh nghĩa vụ ấy cũng là chuyện bình thường.
Theo ông Hải, dù khó khăn đến đâu, cũng phải lo trả những người cho vay này vì “họ cho mình vay khi khó khăn mà không cần thế chấp là quá tốt rồi”. “Chính mẹ ruột tôi cũng có phần tiền ít ỏi dành dụm được cho công ty vay nhưng nay họ không thèm đếm xỉa gì đến”- ông Hải bức xúc.
Được biết Công ty Cổ phần thiết bị giáo dục I là doanh nghiệp nhà nước (nhà nước chiếm giữ 51% số vốn) thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục (Bộ GD&ĐT), số vốn điều lệ khoảng 23,5 tỷ đồng, doanh thu hàng năm khoảng 100 tỷ đồng.