'Bóng ma' B-2 làm Triều Tiên nổi giận

Máy bay ném bom B-2 được thiết kế với khả năng tàng hình trước radar tuyệt vời, có khả năng vượt qua hệ thống phòng không tinh vi, tối tân nhất.

> Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh
> Tên lửa Triều Tiên sẵn sàng khai hỏa
> Triều Tiên tuyên bố chiến tranh với Hàn Quốc

Ngay sau khi Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-2 tới Hàn Quốc tham gia tập trận chung Mỹ - Hàn. Phía Triều Tiên ngay lập tức có những phản ứng quyết liệt nhất, Chủ tịch Kim Jong-un ký ra lệnh cho các đơn vị tên lửa chiến lược sẵn sàng mở cuộc tấn công Mỹ - Hàn.

Hành động này tỏ ra quyết liệt hơn rất nhiều so với khi Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 tới Hàn Quốc. Vậy, tại sao Triều Tiên lại có động thái mạnh mẽ hơn so với lần trước đó? Câu trả lời có lẽ là, máy bay B-2 nguy hiểm hơn hẳn so với B-52 và Triều Tiên có rất ít khả năng tiêu diệt B-2.

“Bóng ma” B-2 đáng sợ cỡ nào?

Máy bay ném bom tàng hình B-2 có kiểu dáng cực kỳ độc đáo.

B-2 Spirit (Bóng ma) là máy bay ném bom chiến lược do Tập đoàn Northrop Grumman phát triển từ những năm 1980 nhằm đối phó với Liên Xô. Máy bay có khả năng thực hiện nhiệm vụ oanh tạc mục tiêu bằng bom thông thường hoặc bom hạt nhân.

Điểm đáng sợ của B-2 ở đây không tới từ khả năng mang nhiều bom (như B-52), hay bay tốc độ siêu thanh (như B-1B), mà là khả năng tàng hình. Điều đó cho phép nó thâm nhập vào hệ thống phòng không tinh vi, dày đặc nhất của đối phương.

Khả năng tàng hình của B-2 có được nhờ sự kết hợp nhiều công nghệ về thiết kế kiểu dáng, vật liệu. Đây là những cách thiết kế máy bay tàng hình phổ biến trên thế giới nhằm giúp “biến mất” trước hệ thống radar đối phương.

Máy bay ném bom B-2 có kiểu dáng như một con dơi khổng lồ, không có cánh đuôi, cánh chính được kéo dài kỳ lạ. Cách thiết kế này giúp máy bay đánh trượt sóng radar đi hướng khác, hoặc hấp thụ, giảm được sóng phản xạ, làm hình ảnh trên màn hiện sóng radar bị yếu (hoặc không có).

Nguyên lý hoạt động của radar là phát sóng tín hiệu lên bầu trời, gặp vật thể trên không sẽ phản xạ lại sóng về máy thu của radar. Từ đó, tín hiệu được xử lý và hiển thị lên màn hiện sóng radar giúp người điều khiển phát hiện hướng bay, độ cao, cự ly mục tiêu. Nếu tín hiệu sóng phản xạ bị đánh trượt đi hướng khác, thì đương nhiên radar không thể phát hiện mục tiêu. Qua đó, tên lửa phòng không cũng không có lệnh dẫn đường tấn công mục tiêu.

Khung thân kết cấu và khoang động cơ B-2 dùng hợp kim titan, còn lại đều do vật liệu phức hợp ghép nối với nhau, do ép ở áp suất cao nên không cần dùng đinh tán. Do vậy máy bay không dễ phản xạ tín hiệu radar.

B-2 sử dụng vật liệu phức hợp đá đen và sợi than có trọng lượng nhẹ, cường độ chịu lực lớn, phản xạ sóng radar cực nhỏ. Trên bề mặt vật liệu có dạng tổ ong liti hấp thụ sóng radar.

Buồng lái được thiết kế kiểu dạng cung tròn, khi sóng radar chiếu vào sẽ trượt theo dáng ngoài buồng lái để truyền đi, khó phản xạ lại.

Mép trước cánh máy bay B-2 được phủ lớp sơn hấp thụ sóng radar và thiết kế có lỗ rỗng kiểu tổ ong không thành qui tắc. Vì vậy, sóng radar khi chiếu vào khó phản xạ lại.

Với những biện pháp kỹ thuật trên đã đem lại cho B-2 khả năng tàng hình tuyệt vời. Nó đã được chứng minh trong nhiều cuộc chiến mà B-2 tham gia.

Đặc biệt nhất, một sự kiện đã làm thế giới quân sự phải “choáng” trước khả năng của B-2. Tháng 6/1995, Mỹ đã đưa B-2 tới tham dự triển lãm hàng không Paris (Pháp). Trước khi xuất phát, Mỹ đã thông báo cho Pháp đường bay của B-2. Quân đội Pháp đã ra lệnh cho trạm radar cảnh giới sục sạo nhưng không thể nào phát hiện được B-2 cho tới khi hạ độ cao lộ diện trước con mắt người thật.

Ngoài năng lực tàng hình, B-2 còn có sức tấn công mạnh mẽ với khả năng mang 23 tấn vũ khí gồm: 80 bom Mk-82 227kg hoặc 36 bom CBU 350kg hoặc 16 bom hạt nhân B61 trên giá phóng quay. Thậm chí, B-2 còn có thể mang bom thông minh dẫn đường GPS JDAM.

Lắp bom vào khoang vũ khí máy bay ném bom B-2.

B-2 trang bị những công nghệ điện tử hàng không tiến tiến gồm: hệ thống radar mạng pha điện tử bị động AN/APQ-81 cung cấp chế độ ngắm mục tiêu, hỗ trợ B-2 bay bám sát và tránh địa hình; hệ thống định vị hàng không; hệ thống đối phó trả đũa điện tử.

Việc vận hành con “quái vật” dài tới 21m, cao 5,18m, trọng lượng cất cánh tối đa 170 tấn chỉ vẻn vẹn 2 phi công. Điều đó cho thấy máy bay có tính tự động hóa cực cao.

B-2 trang bị 4 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy F118-GE-100 cho phép đạt tốc độ 1.010 km/h, tầm bay 10.400km, trần bay 15.000m.

Động cơ của B-2 lắp bộ trộn dòng khí, lấy không khí lạnh dẫn vào buồng đốt động cơ và tua bin, làm hạ thấp nhiệt độ mặt ngoài. Loa phụt động cơ nằm sâu trong thân máy bay, qua đó giảm đáng kể tín hiệu hồng ngoại. Biện pháp này nhằm đối phó với khí tài hồng ngoại của đối phương có thể sử dụng để phát hiện máy bay qua tín hiệu nhiệt động cơ.

Biện pháp đối phó máy bay tàng hình

Tất nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, không có loại vũ khí nào là không thể đối phó. Với máy bay tàng hình cũng vậy, hiện nay, thế giới đã phát triển một số phương án để “săn lùng” máy bay tàng hình.

Trước đây, trạm radar thường làm cả 2 nhiệm vụ: phát sóng và thu sóng phản xạ từ mục tiêu về. Nhưng kỹ thuật tàng hình sẽ tán xạ sóng radar đi theo hướng khác, không về máy thu. Vì vậy, người ta áp dụng hệ thống radar song trạm: trạm phát sóng và thu nhận sóng ở hai nơi khác nhau. Khi đó, khả năng thu được sóng phản xạ từ mục tiêu sẽ cao hơn nhiều.

Ngoài ra, lợi dụng việc máy bay tàng hình thường chú trọng phần dưới thân để đối phó radar mặt đất mà không coi trọng phần mặt trên. Nên nếu dùng trạm radar trên vũ trụ có thể phát hiện mục tiêu, hoặc dùng radar đặt trên khí cầu để trinh sát mục tiêu di động phía dưới.

Hệ thống radar trinh sát thụ động Kolchuga của Ukraine có thể phát hiện máy bay tàng hình.

Hoặc, một số nước đã phát triển thành công hệ thống trinh sát điện tử thụ động chuyên trị máy bay tàng hình. Thiết bị này hoạt động theo nguyên lý thu tín hiệu sóng điện từ phát ra từ máy bay. Bởi bất kỳ máy bay nào (kể cả máy bay tàng hình) đều có những thiết bị phát ra sóng điện từ. Hệ thống trinh sát thụ động lợi dụng điểm đó để tóm máy bay tàng hình.

Dù có những biện pháp như vậy, nhưng nó chỉ giúp ích được việc phát hiện B-2 phần nào. Không thể khắc chế hoàn toàn được vũ khí tấn công siêu tối tân này. Nó sẽ còn phụ thuộc vào nhiếu yếu tố khác mà đặc biệt là con người.

Trở lại với câu chuyện đối phó B-2 của Triều Tiên, hệ thống phòng không của nước này được bố trí nhiều tầng, nhiều lớp, dày đặc với hàng trăm bệ phóng tên lửa phòng không, hàng nghìn khẩu pháo. Trong tác chiến máy bay ném bom tầm cao, Triều Tiên có các hệ thống S-75 Dvina, S-125 Pechora, 2K12 Krug, S-200 đủ sức với tới B-2.

Nhưng vấn đề là hệ thống radar trinh sát của Triều Tiên rất lạc hậu, chủ yếu trang bị các loại radar thế hệ cũ của Liên Xô. Nước này cũng không có khả năng nhập các hệ thống radar chuyên dùng để bắt máy bay tàng hình do lệnh cấm vận vũ khí.

Vì vậy, khả năng tác chiến chống máy bay tàng hình của Triều Tiên gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là “không có khả năng” hoặc “không thể”.

Theo Kiến Thức
Theo Đăng lại