Tiếp bài: “Quỹ nhà ở cho người nghèo đô thị đi đâu?”

Bỗng dưng được miễn quỹ đất

TP - Một dự án có quy mô gần 100 ha nhưng lạ lùng lại được cơ quan quản lý nhà nước liên tiếp cho phép doanh nghiệp không phải sử dụng quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội, trong khi nhiều dự án cùng khu vực phải trả lại quỹ đất này.
Dự án Park City (Hà Đông, Hà Nội) có quy mô hơn 77 ha với toàn biệt thự lại được “miễn” nhà ở xã hội.

Ưu ái bất thường?

Dự án Khu đô thị Park City (Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội) có quy mô trên 77,4 ha không có phần diện tích đất xây nhà ở xã hội (trong khi quy định dự án trên 10 ha đã phải chịu trả quỹ đất 20% cho thành phố để xây dựng nhà ở xã hội).

Dự án Park City được phê duyệt trước năm 2008, chủ đầu tư đã nộp toàn bộ tiền sử dụng đất gần 80 ha vào năm 2010. Tuy nhiên, phần quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội lại được chủ đầu tư trả lại cho thành phố bằng phần đất dịch vụ.  Sở dĩ có việc hoán đổi sang đất dịch vụ này bởi Nghị định 90 (có hiệu lực năm 2006) hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở chỉ ra rằng: Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xem xét, quyết định việc chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới trên địa bàn có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, có trách nhiệm dành một phần diện tích đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (để chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội nhưng trong mọi trường hợp không vượt quá 20% diện tích đất ở của dự án). 

Bà Vũ Thuý Diễm-Trưởng Bộ phận Phát triển doanh nghiệp, Cty CP Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (chủ đầu tư dự án Khu đô thị Park City) lý giải: Trước đây Hà Tây không có nhu cầu phát triển quỹ nhà ở xã hội nên dự án không phải chịu quỹ đất này. Hiện, dự án đã trả lại cho thành phố khoảng 6.000m2 đất dịch vụ, trong khi doanh nghiệp chỉ cần giao 4.000m2.

Sau Nghị định 90 quy định về quỹ đất 20% chưa hiệu quả, năm 2013, Nghị định 188 về Phát triển quản lý Nhà ở xã hội ra đời quy định với những dự án phải điều chỉnh quy hoạch buộc phải dành quỹ đất 20% này. Không hiểu lý do gì, dự án Park City lại được điều chỉnh quy hoạch lại (năm 2015) sau khi Nghị định 188 đã hết hiệu lực. Điều lạ lùng là lần điều chỉnh này lại tăng chung cư thương mại lên, còn chung cư dành cho người thu nhập thấp không có đất tồn tại. 

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án Park City đã trả tiền sử dụng đất trước khi Nghị định 188 ra đời nên không bị hồi tố trả lại quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội.

Trong khi đó, được phê duyệt cùng thời điểm với dự án trên, dự án Khu đô thị Văn Khê có quy mô gần 24 ha do Cty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư phải dành hơn 2 ha trả lại cho thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Sông Đà Thăng Long cho biết, đã bàn giao quỹ đất này cho thành phố. Sau khi thành phố rà soát lại sẽ bố trí làm nhà xã hội hoặc tái định cư.

Lộ nhiều tai tiếng

Suốt quá trình triển khai, Dự án Khu đô thị Park City không ít lần gặp tai tiếng vì chậm tiến độ và tranh chấp với khách hàng. Dự án trước đây chậm tiến độ là do tiểu khu 1 xuất hiện sự cố kỹ thuật nứt bề mặt móng đã gây nên những bất đồng trong phương án xử lý giữa nội bộ chủ đầu tư. Trong khi phía đối tác Malaysia là Cty Perdana Parkcity muốn đập toàn bộ móng đi xây lại, nhằm đảm bảo uy tín thì đối tác Việt Nam (Vinaconex Hoàng Thành) lại muốn giữ lại phần móng và áp dụng phương án gia cố thêm cọc vào. Bất đồng trên đã dẫn tới sự tan rã liên minh này. Đầu năm 2013, thị trường bất ngờ với thông tin đối tác nước ngoài của Dự án Khu đô thị Park City Hà Nội (Perdana ParkCity) công bố sở hữu toàn bộ 100% dự án này.

Ngay sau khi tiếp quản, Cty CP Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam, chủ mới của Park City Hà Nội đã tiến hành phá dỡ, làm lại toàn bộ phần móng theo yêu cầu khách hàng. Tiến độ dự án cũng được định hình lại thời hạn bàn giao nhà được lùi sang tháng 6/2014, thay vì vào quý I/2013.

Vụ việc vừa kết thúc năm 2014 thì thời gian gần đây, một khách hàng mua nhà tại dự án đã “tố” chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế xây dựng để “ép” khách hàng phải nộp thêm tiền mua nhà. Tranh chấp hợp đồng với khách hàng vẫn chưa được giải quyết, chủ đầu tư đã tự ý mang bán tài sản cho bên thứ ba gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho khách hàng. Việc tranh chấp đến thời điểm hiện tại chưa biết đúng sai thế nào, vì cơ quan chức năng vẫn chưa có phán quyết chính thức.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, trong năm nay sẽ công bố kết quả rà soát quỹ đất 20% trong khu đô thị. Theo đó, tất cả những dự án từ Hà Tây (cũ) có quy mô trên 10 ha để phân loại và bố trí quỹ nhà xã hội cho phù hợp. Kể cả, dự án có quy mô dưới 10 ha được phép trả tiền thay đất cũng phải phù hợp.