Bóng đá Việt và áp lực thành tích

TP - Để phục vụ mục tiêu đoạt HCV SEA Games 30 (Philippines) theo chỉ đạo của ngành thể thao, VFF và VPF vừa qua đã phải chỉnh lại lịch tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Cụ thể, vòng đấu muộn nhất của Wake UP 247 V-League 2019 sẽ diễn ra ngày 6/10, thay vì 24/10 như kế hoạch cũ. Cúp Quốc gia Bamboo Airways 2019, trận chung kết muộn nhất cũng vào ngày 24/10. Tất cả nhằm phục vụ yêu cầu của HLV Park Hang Seo, U22 Việt Nam có đủ 5 tuần chuẩn bị cho SEA Games 30.

Chưa dừng lại ở đó, đã có những quan điểm đặt vấn đề, các CLB V-League cần cho tối thiểu 2 cầu thủ U22 ra sân. Lý do bởi quân số U22 Việt Nam hiện nay, hầu hết đều không được đá khi trở về CLB. Theo thống kê, trong 23 cầu thủ U22 Việt Nam vừa dự vòng loại U23 châu Á 2020, chỉ 6 người thường xuyên đá chính tại V-League như: Quang Hải, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu (Hà Nội) hay Bùi Tiến Dũng (Viettel), Tiến Dụng (Đà Nẵng)…

Tuy nhiên với đề xuất thứ 2, giới chuyên môn nhiều người đã lập tức phản đối. Thứ nhất, quyền chuyên môn ở các đội bóng phải thuộc về các HLV và thứ 2, cầu thủ muốn được ra sân cần đáp ứng chuyên môn. Cho cầu thủ không đủ trình độ vào sân có thể ảnh hưởng tới chất lượng trận đấu và cả giải đấu, tạo nên sự không công bằng. Các CLB cũng có thể đặt vấn đề, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu thành tích đội bóng không như ý nếu đưa ra quy định trên, VFF hay VPF?

Mong muốn đoạt HCV SEA Games của người hâm mộ là rất chính đáng, nhưng chất lượng V-League cũng không kém quan trọng. Các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia chính là nền tảng của ĐTQG. Đội tuyển muốn mạnh thì các giải đấu phải mạnh, giàu tính cạnh tranh. Và cũng không nên quên, V-League mới là sân chơi hàng ngày của bóng đá.