Cụ thể, với kiến nghị cho phép chủ đầu tư chọn đơn vị thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1 (trên 20 tầng) để hạn chế lợi ích nhóm, Bộ Xây dựng cho rằng, việc chủ đầu tư có thể chọn cơ quan quản lý thẩm định là không phù hợp, cơ quan nhà nước không chủ động trong thẩm định.
Hơn nữa, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP vừa ban hành đã sửa quy định về cơ quan thẩm định theo hướng phân cấp rõ ràng đối với từng loại dự án như dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án nhóm A, B, C...
Về đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng đã được duyệt và cho phép chủ đầu tư xây dựng trước phần móng và hầm công trình.
Bộ Xây dựng cho biết, quá trình sửa đổi một số luật liên quan đầu tư kinh doanh, Bộ đã đưa ra đề xuất miễn giấy phép xây dựng nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đề xuất trong quá trình rà soát, sửa luật tiếp theo.
Đối với kiến nghị giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở dưới 5.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng không đồng tình. Nguyên nhân, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở đã quy định rõ phạm vi áp dụng, dự án 5.000 tỷ đồng hoặc di dân tái định cư từ 10.000 dân trở lên ở miền núi thì thực hiện theo Luật Đầu tư.
Các dự án khác thực hiện theo Luật Nhà ở. Dự án từ 2.500 căn trở lên thẩm quyền chấp thuận đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ, vì số lượng căn hộ này tương đương 1 phường. Theo quy định về địa giới hành chính, việc thành lập cấp phường phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Vì vậy, quy định hiện hành là hợp lý.