Cụ thể, trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về cuộc đấu giá khai thác cát tại An Giang vừa qua, bà Nguyễn Thị Mai - Cục phó Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng, vụ việc đang rất nóng và có hiện tượng không lành mạnh trong đấu giá.
Theo bà Mai, đây là cuộc đấu giá thành, tức là trình tự cuộc đấu giá đã hoàn thành và chuyển sang trách nhiệm của người có tài sản là UBND tỉnh An Giang, được quy định tại Luật đấu giá tài sản.
“Trong cuộc đấu giá trên, giá khởi điểm của mỏ cát là 7,2 tỷ đồng nhưng được trả giá rất cao lên tới gần 3.000 tỷ đồng tăng gần 400 lần. Vậy thì sẽ xử lý thế nào khi doanh nghiệp không khai thác mà lại xin trả lại tiền đặt cọc”- bà Mai đặt câu hỏi.
Về việc doanh nghiệp trúng thầu nhưng xin lại tiền đặt cọc, bà Mai cho biết, pháp luật đã quy định rất rõ về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và việc không trả lại tiền đặt trước nếu tổ chức trúng đấu giá không thực hiện quyền khai thác khoáng sản và quyền cấp phép thăm dò. Do đó, nếu huỷ bỏ kết quả trúng thầu có thể doanh nghiệp sẽ không được hoàn trả tiền đặt trước.
Ngoài ra, đơn vị trúng đấu giá sẽ không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá mỏ cát trên theo Nghị định 22/2012 của Chính phủ.
“Có thể nói quy định về chế tài và cách thức xử lý việc đã đầy đủ và “quả bóng” thuộc về UBND tỉnh An Giang xử lý như thế nào theo đúng quy định”- bà Mai cho hay.
Vị lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, đơn vị rất quan tâm đến cuộc đấu giá này và sẽ có thể trở thành tiền lệ khi việc đấu giá bị huỷ nhiều lần dẫn tới việc cơ quan nhà nước phải bán chỉ định với tài sản công.
Việc này dẫn đến nguy cơ bán đấu giá chỉ định theo giá khởi điểm, không có sự cạnh tranh và cuối cùng là nguy cơ thất thoát tài sản có thể xảy ra nếu không có sự cạnh tranh, công khai minh bạch…
Trước đó, ngày 26/3, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông làm vật liệu xây dựng đối với mỏ cát nêu trên với giá khởi điểm khoảng 7,2 tỉ đồng.
Qua hàng chục vòng đấu giá, Công ty TNHH TM&DV T-S.Home đã "đánh bại" các doanh nghiệp để được trúng thầu với số tiền hơn 2.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa chứng minh năng lực tài chính cũng như nộp tiền trúng đấu giá lần đầu.
Bởi theo quy định, với số tiền trúng đấu giá quyền khai thác cát hơn 2.800 tỉ đồng thì công ty phải nộp hơn 140 tỉ đồng trước khi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Đối với số tiền trúng đấu giá còn lại, công ty sẽ nộp trong 4 năm, mỗi năm nộp tạm tính hơn 667 tỉ đồng. Tuy nhiên, phía công ty lại ra "yêu sách" cho nộp lần đầu 50 tỉ đồng trước khi cấp phép khai thác; hơn 90 tỉ đồng còn lại trong số hơn 140 tỉ đồng sẽ được nộp trong năm khai thác đầu tiên. Trường hợp UBND tỉnh không chấp thuận đề xuất này thì công ty xin nhận lại tiền cọc sau khi trừ chi phí tổ chức đấu giá.
UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét theo hướng hủy kết quả trúng thầu quyền khai thác khoáng sản tại mỏ cát thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới đối với Công ty TNHH TM&DV T-S.Home; đồng thời tổ chức đấu giá lại theo quy định.
Cũng tại buổi họp báo, thông tin về việc thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, tính đến tháng 9/2021, đã thu hồi được 1.383 tỷ đồng trên tổng số tiền phải thu hồi là 1.475 tỷ đồng. Hiện còn phải thu hồi 11 tỷ đồng và 3, 5 triệu USD.
Theo đại diện Tổng Cục thi hành án dân sự, ngày 10/9 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam có việc thu hồi tiền thi hành án từ nước ngoài, khoản tiền thu được rất lớn là 2,6 triệu USD.