Bộ trưởng Phát: Đa số thực phẩm an toàn nhưng dân không biết

TPO - Trong khi các đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc, lo lắng trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, làm suy giảm sức khỏe của giống nòi thì Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát lại khẳng định, đa số thực phẩm là an toàn nhưng nhân dân không biết nên mới có cảm giác không an toàn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, đa số thực phẩm là an toàn nhưng nhân dân không biết nên mới có cảm giác không an toàn.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trong 5 tháng qua đã lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép chỉ là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%.

“Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn. Vì thế có vấn đề rất lớn nên chúng tôi đang chỉ đạo là phải để làm sao giúp cho nhân dân biết được và yên tâm để tiêu dùng và tiếp tục ngăn chặn sản xuất thực phẩm không an toàn”, ông Phát khẳng định.

Cũng theo ông Phát, Cao Đức Phát  thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực phối hợp thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp đã tập trung kiểm soát việc sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh.

“Vừa qua chúng tôi tập trung xử lý chất cấm mà dư luận đang bức xúc. Bước đầu khá thành công và đã giảm mạnh, triệt được nguồn nhập khẩu vào trong nước. Đến nay việc sử dụng trong các cơ sở sản xuất thức ăn hầu như rất ít, chỉ còn một số trang trại, hộ chăn nuôi lẻ thì chúng tôi đang cùng với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công an xử lý tiếp và bắt tay vào chấn chỉnh việc sử dụng kháng sinh và buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật. Làm từng việc một và triệt để”, ông Phát cho hay.

Tuy nhiên, trước đó phát biểu tại Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp khẳng định, thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta trong thời gian gần đây đã rất báo động, gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài. Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia.... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn.

“Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”, bà Nga nói và khẳng định, nếu không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân (một quyền phái sinh từ quyền sống, quyền được bảo vệ sức khỏe con người theo Hiến pháp), không có một nền nông nghiệp sạch và chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà trước các sản phẩm sạch ngoại nhập.