Tại Hội thảo "Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài" được tổ chức chiều 24/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng Việt Nam đang chuyển từ tư duy phát triển đơn giá trị sang đa giá trị trên một diện tích sản xuất, trong đó có sản xuất lúa. Vì vậy toàn ngành phải định vị lại thu nhập của người nông dân trồng lúa khác đi.
“Trồng lúa không chỉ là bán hạt lúa, hạt gạo mà còn hoạt động khai thác giá trị từ các hoạt động khác như sản xuất, chế biến, bảo quản, đến làm kinh tế như du lịch nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp khác. Đơn cử như ở Bạc Liêu, Sóc Trăng và một vài tỉnh phát triển mô hình con tôm ôm cây lúa (lúa tôm), nông dân trồng lúa nhưng thu nhập từ cây lúa là phụ, còn chính là tôm, cá", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng dẫn chứng các mô hình nông dân làm du lịch hiệu quả cao, thu nhập hơn nhiều so với trồng lúa và cho rằng cần có cách tiếp cận nông nghiệp khác, góc nhìn về thu nhập khác để tìm kiếm giá trị mới hơn là giá trị đong đếm bằng sản lượng.
Tại hội thảo, ông Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho rằng, ưu thế của ngành lúa gạo Việt Nam là sở hữu hệ thống thủy lợi phát triển. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ diện tích lúa có tưới lên đến 85%, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Cùng với đó, nhiều bộ giống lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, OM18, ST25 và các kỹ thuật canh tác tiên tiến đang mang lại năng suất lúa vượt trội so với khu vực, đột phá về giá trị gạo xuất khẩu.
"Tất cả giống lúa chất lượng là do các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Việt Nam tạo ra, năng suất đạt cao trong nhóm đầu trong khu vực. Chúng ta còn vượt trội hơn hai nước xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan và Ấn Độ", ông Bổng nói.
Theo ông Bổng, dù hạ tầng ngành lúa gạo đã có sự vượt trội, nhưng đời sống của người trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài vấn đề diện tích nhỏ, nguyên nhân còn xuất phát từ thiếu liên kết, thiếu đầu tư của nông dân, doanh nghiệp.
Ông dẫn chứng trong khảo sát năm 2021 cho thấy nông dân có 3 kênh tiêu thụ lúa nhưng bán trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chỉ chiếm hơn 12% tổng sản lượng. Bán qua hợp tác xã chiếm 37,5%, trong khi bán qua thương lái gần 50%. Đồng thời, diện tích sản xuất lúa có liên kết chỉ đạt 10% nên thu nhập của người trồng lúa khá bấp bênh.
Để giúp người trồng lúa gạo thu nhập tốt hơn, ông Bổng cho rằng nông dân cũng cần tăng quy mô nông hộ, tập trung, tích tụ đất lúa, từ đó sẽ tác động đến gia tăng hiệu quả sản xuất lúa và thu nhập. Kéo giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, liên kết hợp tác cánh đồng lớn và hợp tác xã...