Bộ trưởng LĐ-TB&XH: Mất mát về người do tai nạn lao động còn lớn

TPO - Với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng với thương mại quốc tế, các tiêu chuẩn về lao động (LĐ) quốc tế đã và đang được chuẩn hoá, đặc biệt về an toàn, vệ sinh lao động, hướng tới người LĐ có môi trường làm việc an toàn. Thông tin được đưa ra tại Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và tháng công nhân năm 2022, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 28/4.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, số người LĐ tử vong và bị thương do tai nạn lao động trong năm 2021 đã giảm mạnh. “Dù vậy, thời gian qua, mất mát về người và vật chất do tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp gây ra tuy có giảm, nhưng còn lớn. Những mất mát với người thân vẫn còn đó. Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng LĐ chưa thực sự quan tâm vấn đề này”, ông Dung nói.

Tháng an toàn, vệ sinh LĐ và tháng công nhân (tháng 5/2022) được phát động nhằm mục tiêu tuyên truyền, nâng cao ý thức toàn xã hội trong kiểm soát tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, hướng tới nền sản xuất an toàn, năng suất cao và trách nhiệm xã hội.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và tháng công nhân năm 2022

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, công tác an toàn, vệ sinh LĐ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, với các quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện và tương thích với tiêu chuẩn LĐ quốc tế. Dù vậy, công tác an toàn, vệ sinh LĐ vẫn còn nhiều hạn chế, còn xảy ra tai nạn LĐ gây mất mát người LĐ và để lại nỗi đau cho người ở lại.

Từ đó, ông Tuấn Anh cho rằng, để đảm bảo môi trường làm việc thật sự an toàn, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng chú trọng phòng ngừa tai nạn LĐ, kiểm soát yếu tố nguy hại...

“Thời gian tới, Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, sẽ chấp hành nghiêm các tiêu chuẩn LĐ quốc tế. Điều đó đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm bảo phúc lợi an sinh xã hội và an toàn, vệ sinh LĐ, bảo vệ người LĐ là nguồn lực quan trọng tài sản quý giá của doanh nghiệp và đất nước”, ông Tuấn Anh nói.

Theo tổng hợp của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2021, cả nước đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn LĐ. Dù số vụ tai nạn LĐ giảm hơn 22% so với năm 2020, nhưng vẫn làm hơn 6.600 người bị nạn (gồm cả khu vực chính thức và không chính thức). Trong đó, các vụ tai nạn LĐ đã cướp đi sinh mạng của gần 800 LĐ chính, và khiến gần 1.500 người bị thương nặng.

Các vụ tai nạn LĐ đã gây thiệt hại kinh tế gần 4.000 tỷ đồng, gồm chi phí thuốc men, bồi thường… chưa kể thiệt hại về tài sản, giảm số giờ làm do người lao động phải nghỉ điều trị.

Các lĩnh vực rủi ro cao về tai nạn LĐ, làm nhiều người chết như: Dệt may, khai khoáng sản, vật liệu xây dựng, xây dựng, cơ khí, luyện kim…

Nguyên nhân tai nạn do người sử dụng LĐ chiếm gần một nửa, như việc tổ chức làm việc và điều kiện LĐ chưa an toàn, không có biện pháp đảm bảo an toàn nơi làm việc, thiết bị không an toàn…

Trong năm 2021, trong khu vực có quan hệ LĐ (khu vực chính thức) số vụ tai nạn LĐ giảm có một phần do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giảm LĐ vì ảnh hưởng dịch COVID-19.

Để giảm tai nạn LĐ, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ ngành, địa phương, người sử dụng LĐ chủ động kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm liên quan tới điều kiện làm việc. Trong đó tập trung các ngành có rủi ro cao như dệt may, xây dựng, khai khoáng, điện tử…; tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn nơi làm việc của doanh nghiệp và người LĐ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…