Cụ thể, hiện Bình Dương đã xét nghiệm cho 4,5 triệu người; TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm nhanh cho hơn 3,3 triệu người; tại Đồng Nai là khoảng 2,6 triệu lượt người, tại Long An là hơn 1 triệu người. Như vậy trong tuần, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 7.228.897 lượt người. Tính đến ngày 4/9, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR được 42.517.091 lượt người, trong đó từ 27/4 đến nay đã xét nghiệm RT-PCR cho 38.990.152 lượt người.
Về công tác điều trị, giảm tử vong, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam; điều động số lượng lớn nhân lực y tế với hơn 16.000 người (gồm gần 200 lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Y tế; trên 5.000 cán bộ y tế từ các bệnh viện, viện; gần 7.600 giảng viên, sinh viên từ các trường y dược, trên 2.000 cán bộ y tế địa phương các lực lượng y tế công an quân đội…)
Bộ Y tế cũng đã điều động, phân bổ và cấp xuất hàng nghìn trang thiết bị, máy thở, vật tư, thuốc cho các địa phương đang chống dịch. Từ ngày 27/4, Kho vật tư, thiết bị y tế tại TP. Hồ Chí Minh quản lý, cấp phát cho các địa phương 5.935 máy thở các loại, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu, 182 máy xét nghiệm RT-PCR, 86 máy tách chiết, trên 10 triệu test nhanh, gần 2 triệu khẩu trang N95, gần 500.000 bộ trang phục phòng, chống dịch các loại. Phối hợp với các đơn vị tiếp nhận tài trợ các loại thuốc điều trị người bệnh COVID-19; 126 xe xét nghiệm lưu động và tiêm chủng lưu động…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, với việc thiết lập và vận hành hiệu quả các trung tâm hồi sức (gồm 11 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại phía Nam, riêng TP. Hồ Chí Minh là 6 Trung tâm) điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch (hiện nay đang điều trị tích cực cho 6.491 trường hợp nặng) kết hợp với mở rộng và nâng cao năng lực các tầng điều trị, tăng cường hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến và triển khai điều trị tại nhà, công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế các trường hợp tử vong, nhất là các trường hợp điều trị tại tầng 3.