Theo đó, BTTM yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão, mưa lũ; kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch phù hợp với thực tế; triển khai các biện pháp phòng, chống, kê kích vũ khí, trang bị, vật chất không để bị ngập lụt, đảm bảo an toàn doanh trại, kho tàng, các công trình đang thi công; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Khi cơ động lực lượng và quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn phải bố trí trinh sát đường, quan sát, cảnh giới, thông báo, báo động, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, phương tiện. Chủ động phối hợp, hiệp đồng với chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ tư lệnh các Quân khu 3, 4, 5 chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động tham mưu với chính quyền địa phương, kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ba Quân khu này phải hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, đê điều, hồ đập; phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương thu hoạch hoa màu, ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hoá đến Bình Định, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng của địa phương quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.
Tổ chức kiểm đếm, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn; thường xuyên duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão trực tiếp đổ bộ.
Đối với Quân chủng Hải quân và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, BTTM yêu cầu hai đơn vị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện làm nhiệm vụ trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên biển, đảo.
Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 kiểm tra, rà soát kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh.
Các Quân đoàn, Binh đoàn, Binh chủng chủ động phối hợp, hiệp đồng với chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục 2 tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó với bão, mưa lũ, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí trang bị, chuẩn bị tốt công tác bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó thiên tai; chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, nhu yếu phẩm, trang bị cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.