Bỏ mức lương nghìn USD để khởi nghiệp đánh giày, kỹ sư công nghệ kiếm 2 tỷ đồng/năm

Từ bỏ công việc IT từng gắn bó 3 năm tại Singapore, anh Phong nuôi ước mơ về lại Hà Nội để khởi nghiệp với công việc đánh giày.

Năm 2018, vốn có công việc ổn định với mức thu nhập cao lên tới 20 triệu đồng/tháng nhưng đột ngột anh Đinh Thanh Phong (Hà Nội) lại quyết định nghỉ việc, về Việt Nam để học sâu về giày da. Khi ấy, ai nhìn vào cũng bất ngờ với công việc ổn định như vậy mà anh lại lựa chọn từ bỏ nhưng anh Phong cho biết “cuộc sống lặp đi, lặp lại một cách nhàm chán và thấy không hài lòng lựa chọn đó".

Ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ đam mê với giày da của anh Phong - Ảnh: CafeF

Yêu thích đặc biệt với giày tây, anh Phong thường xuyên chia sẻ sở thích với chủ một quán cà phê và được động viên mở một cửa hàng về giày. Vốn đam mê về giày và muốn tìm thị trường ngách cho riêng mình, anh Phong nảy lên ý tưởng độc đáo về việc đánh giày chuyên nghiệp - vốn là công việc mà ít người ở Việt Nam làm được.

"Trên thế giới, nghề đánh giày đã được hình thành và nâng tầm từ khá lâu. Nhưng ở Việt Nam, mọi người bán giày nhiều nhưng không quá chú trọng về việc chăm sóc giày da cao cấp. Ý tưởng nảy ra thoáng chốc nhưng tôi ngay lập tức lập trang fanpage đầu tiên với cái tên "Tiệm Đánh Giày" và sau này khi khởi nghiệp, những vị khách đầu tiên của tôi đều từ quán cafe đó", anh Phong chia sẻ.

Vì chưa chuẩn bị kỹ càng cho kế hoạch khởi nghiệp nên anh Phong vẫn lựa chọn duy trì đồng thời công việc văn phòng và và nhận đánh giày cho khách. Ngoài giờ hành chính, anh sẽ nhận thêm các đơn hàng để luyện tay nghề.

Anh Phong kể, thời gian đầu thực sự bản thân anh rất ham làm để tìm chỗ đứng cho mình. Đa số tối nào cũng cố làm cho tới nửa đêm để sáng hôm sau kịp trả hàng cho khách. Vốn dĩ ở Việt Nam, việc đánh giày chỉ dừng lại ở những hàng rong đánh giày thuê chứ để thực sự quan tâm tới chăm sóc một đôi giày là chưa có. Việc vừa làm, vừa học hỏi để xây dựng một cơ sở chăm sóc giày da chuyên nghiệp được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, không ít người cũng hoài nghi khi chàng kỹ sư thông tin bỏ công việc lương tháng nghìn USD để đi... đánh giày.

"Mọi người nghi ngờ. Có người chất vấn tôi, bảo giá đánh đôi giày 10.000 đồng mà bỏ việc lương 20 triệu đồng/tháng, có đáng không? Nhưng tôi vẫn kiên quyết với sự lựa chọn của mình", anh Phong nói.

Ước mơ nâng tầm nghề … đánh giày

Để bắt đầu với một công việc chưa ai làm, anh Phong cũng phải đối mặt với những khó khăn mà ít người có thể hỗ trợ giúp anh trong quá trình làm nghề. Trong thời gian đầu, anh Phong từng rất “đau đầu” với những đôi giày hàng hiệu với giá trị lớn khi phải bảo dưỡng, nâng niu làm sao để tránh hỏng hóc.

Theo anh Phong, công việc nhìn ngoài có vẻ tầm thường nhưng thực tế, để có cái duyên với nghề cũng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm theo từng sản phẩm và chất liệu. Công việc này hầu như không được phép để xảy ra sai sót vì số tiền đền bù nếu hỏng hóc cao hơn rất nhiều lần so với chi phí bỏ ra để đánh giày.

“Có những đôi giày giá vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, tôi cầm trên tay mà... run, không biết làm gì vì sợ hỏng đồ", để khách hàng tin tưởng gửi gắm những đôi giày như vậy, anh Phong đã phải gây dựng uy tín và trách nhiệm rất nhiều.

Anh Phong thường quay lại những video vệ sinh giày và đăng tải lên mạng xã hội để giới thiệu với khách hàng về dịch vụ của mình.

Những tưởng con đường cứ bằng phẳng mà đi như vậy cho đến cuối 2019, anh Phong cùng hai người bạn tự tin tìm địa điểm để mở tiệm đánh giày. Nhưng Covid-19 ập đến, hai người bạn của anh từ bỏ vì không còn nhìn thấy tương lai.

"Khi đó, tôi tự bơi theo đúng nghĩa đen. Đứa con tinh thần của mình giờ bỏ không đành nhưng tiếp tục duy trì thì quá khó khăn. Mấy tháng trời doanh thu gần như không có, trừ hết chi phí vận hành, trả lương nhân viên, còn đúng 2 triệu đồng trong ví”, anh Phong bộc bạch.

Trong thời gian dài khó khăn như vậy, gia đình cũng có con nhỏ nên từng có lúc anh nghĩ tới việc dừng lại. Nhưng không cho phép mình chịu thua hoàn cảnh, anh Phong đã đi xin việc tại một cửa hàng đồ hiệu nổi tiếng. Dù thua lỗ triền miên nhưng chàng trai Hà Thành lựa chọn vừa học, vừa làm tại một cửa cửa hàng đồ hiệu và một số xưởng đồ chuyên về da để học về may vá.

Đi từng bước nhỏ như vậy mỗi ngày, dần dần anh Phong nhận khoảng 15-20 đơn hàng, riêng dịp lễ Tết, mỗi ngày số lượng đơn cần xử lý tăng lên khoảng 30, có lúc anh phải từ chối bớt khách vì quá tải.

"Tôi chỉ tập trung vào phần việc mình giỏi nhất là chăm sóc đồ da. Nếu nhận nhiều đơn có thể kiếm thêm nhiều tiền nhưng sẽ không kịp làm trả cho khách đúng hẹn. Tôi cũng quyết không chạy theo số lượng để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và uy tín của tiệm mình", anh nói.

Với quá trình không ngừng học hỏi, anh từng bước tăng giá trị cho dịch vụ của mình với tiền công gấp 10 lần so với giá dịch vụ mặt bằng chung. Dù giá có thể chênh lệch như vậy nhưng đa số khách hàng sử dụng dịch vụ đều sẵn sàng xuống tiền bởi được trải nghiệm những dịch vụ chăm sóc giày cầu kỳ, chưa từng có.

"Hiện tại mỗi tháng tôi có thể kiếm gần 200 triệu đồng nhưng khi lựa chọn theo đuổi nghề này, tôi muốn mọi người, ai cũng có thể nhận được dịch vụ chăm sóc giày tốt hơn việc đánh giày ngoài đường.

Với chàng trai 9x, kiếm tiền quan trọng nhưng hơn hết, anh muốn công việc hiện tại có thể giúp thay đổi thói quen sử dụng giày da của người Việt Nam và mở hơn nữa là đồ da nói chung.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.

Chi tiết về các chương trình hỗ trợ của Thành phố tại:https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn