Ở trên anh đầu nguồn biên giới
Kẻng Mỏ, cái tên nghe lạ lẫm với rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Ít người biết rằng Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ thuộc Đồn Biên phòng Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đang canh giữ thượng nguồn dòng sông Đà kỳ vỹ, dòng sông giàu tiềm năng thủy điện bậc nhất Đông Dương. Hơn 30 năm qua, 3 công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á (các nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) đã được xây dựng hoàn thành, cung cấp hàng triệu Kw điện cho cả nước. Thế nhưng ở Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ đến mùa xuân năm 2018 này vẫn chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại di động và nằm cách xa khu dân cư gần nhất (bản Nậm Lằn) 24 km, cách Đồn Biên phòng Ka Lăng 40km, cách tỉnh lỵ Lai Châu 25km và cách Thủ đô Hà Nội hơn 700km. Ở đây có những người lính biên phòng đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình để ngày đêm canh giữ, bảo vệ để dòng Đà giang bền bỉ “chảy điện” về xuôi.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cuối dòng Đà giang là quê nhà của cả trạm trưởng và trạm phó. Dòng sông Đà chảy từ Kẻng Mỏ về đến ngã ba Bạch Hạc (Phú Thọ) nhập vào với sông Hồng và sông Lô rồi chảy ra cửa biển Tiền Hải, Thái Bình. Hiện trạm trưởng, trạm phó Kẻng Mỏ đều là người con Thái Bình. Thiếu úy Đặng Văn Mạnh sinh năm 1994, quê ở An Minh, Quỳnh Phụ, Thái Bình làm Trạm trưởng từ tháng 9/2016. Người lính trẻ tuổi này làm nhiệm vụ trên địa bàn cách quê nhà gần 800 km.
“Những năm tháng đi học ở Học viện Biên phòng rất ít khi được ra ngoài nên chưa có người yêu. Bây giờ chắc còn khó hơn vì nơi đóng quân cách khu dân cư gần nhất là bản Nậm Lằn tới 24 km”, Trạm trưởng Đặng Văn Mạnh cười nói và cho biết, mức lương thiếu úy cộng với phụ cấp khu vực khó khăn được 17 triệu đồng, anh gom góp gửi về quê 10 triệu giúp bố mẹ là nông dân nuôi em ăn học.
Trạm trưởng Mạnh bước sang năm thứ 2 nhận nhiệm vụ ở Kẻng Mỏ, còn người đồng đội của anh đã có tới hơn 8 năm giữ trạm. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đoàn Anh Thơ, Trạm phó sinh năm 1970, ở Kiến Xương, Thái Bình, nhập ngũ năm 1990, lên công tác tại biên phòng Lai Châu từ năm 1993 và đã gắn bó với tuyến Mường Tè từ năm 1999. Từ năm 2010, Đại úy Thơ đã về Kẻng Mỏ.
Trạm phó Đoàn Anh Thơ tâm sự: “Mấy chục năm ở biên giới, xa gia đình, tôi cũng đã nếm trải không ít gian nan, vất vả của cuộc sống biên cương. Với những người lính biên phòng như chúng tôi thì thực sự “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Tuy nhiên, ở đây thiếu thốn vật chất là một chuyện, cái thiếu nhiều hơn chính là cảm giác có “hơi người”. Mỗi khi muốn nghe hay gọi điện thoại chúng tôi phải chạy ra ngoài cả chục km. Còn điện thì chỉ trông vào một máy phát 8 Kw đặt dưới suối, muốn xem được tivi thì phải tắt hết bóng điện. Mùa mưa thì gần như chỉ có đi bộ, lũ về máy phát điện cũng không dùng được. Những khi đó, hết thực phẩm, anh em phải đi bộ theo đường rừng ra ngoài mua đồ ăn của dân. Ăn uống cũng phải dè sẻn vì không có điện, không có tủ lạnh nên đồ ăn không bảo quản được lâu”.
Đại úy Thơ xa nhà mấy chục năm nay, cậu con trai lớn cũng đã nhập ngũ đi bộ đội biên phòng như bố. Ở quê nhà vợ anh vẫn làm ruộng, cậu con trai thứ hai học lớp 7 và một mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Mỗi tháng anh dành gửi về cho vợ con phần lớn tiền lương, chỉ giữ lại phần ít chi tiêu. “Khó khăn vất vả thế nào chúng tôi cũng sẽ khắc phục và vượt qua, chỉ mong sao trạm sớm có ngôi nhà xây vững chắc thay thế căn nhà gỗ đã nhiều năm, xuống cấp, mối mọt hết rồi. Và nếu được thì mong thật sớm có điện và có sóng điện thoại, để chúng tôi bớt “lặng lẽ” nơi biên cương, được kết nối, gần gũi với gia đình, đồng đội và cuộc sống bên ngoài nhiều hơn. Và cũng là để hậu phương của chúng tôi ở nhà được yên tâm mỗi khi nhìn về biên giới nơi chồng, cha của mình đang ngày đêm canh giữ”, đại úy Thơ nói.
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng
Đến Trạm Biên phòng Gia Khâu, thuộc Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) mùa này, ở nơi độ cao gần 2.000 mét so với mực nước biển, Sì Lờ Lầu mù mịt trong hơi sương với cái rét cắt da cắt thịt. Nằm cách thành phố Lai Châu hơn 100km, là đơn vị biên phòng xa nhất của tuyến Phong Thổ, Trạm Gia Khâu gồm 3 gian nhà xây nhỏ dựa lưng vào mỏm núi cheo leo giữa 12 tầng dốc.
Thiếu úy Nguyễn Thanh Trung (23 tuổi) có gương mặt “búng ra sữa”, gặp lần đầu chả ai nghĩ đó là một chỉ huy trạm biên phòng trấn ải biên cương. Nguyễn Thanh Trung quê ở Hưng Hà, Thái Bình, nhưng gia đình hiện sinh sống tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Anh tốt nghiệp Học viện Biên phòng tháng 8/2016, tháng 9/2016 lên nhận nhiệm vụ Trạm trưởng ở Gia Khâu. Trước đó anh từng có thời gian thực tập ở Đồn cửa khẩu Đắc Ruê, huyện IaSup, Đắk Lắk. Thiếu úy Trung kể rằng, gia đình anh ở thị xã Nghĩa Lộ, bố là giáo viên, mẹ ở nhà nội trợ, cậu em trai mới học lớp 7. Mỗi tháng anh có 15 triệu đồng tiền lương, anh chỉ giữ lại 5 triệu đồng chi tiêu cá nhân, còn lại gửi về quê giúp bố mẹ.
Trung kể, trừ những ngày họp chợ (ngày con dê, con trâu) thì cả tuần ở trạm chỉ có vài cán bộ, chiến sĩ. Ngày mới lên đây, nhiều lúc buồn, có đêm con rắn bò vào chạn bát trong bếp anh dậy chỉ lấy que gẩy đuổi đi vì cứ nghĩ nó như một người bạn đến chơi. Cách Trạm Biên phòng Gia Khâu hơn 1km đường mòn men theo mép núi xuống sát bờ suối là cột mốc 71.2. Cạnh cột mốc là mộ bia tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh, người cán bộ trinh sát đã hi sinh khi làm nhiệm vụ.
Ngày nào cũng thế, Trạm trưởng Nguyễn Thanh Trung và các đồng đội chỉnh tề quân phục hành quân xuống kiểm tra cột mốc 71.2. Sau khi làm nhiệm vụ xong, các anh thường đứng nghiêm chào điều lệnh trước phần mộ người liệt sĩ đã ngã xuống năm xưa. Trạm trưởng Trung nói rằng, trước đây ở Học viện đã được học rất nhiều về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng nhưng từ khi trực tiếp nhận nhiệm vụ ở trạm, anh càng thấm thía hơn giá trị phên giậu quốc gia, càng thấu hiểu “vì sao đường biên giới trên bản đồ lại tô màu đỏ…”. Tết này là mùa xuân thứ 2 Trạm trưởng Trung ở lại trên biên giới.
“Mấy chục năm ở biên giới, xa gia đình, tôi cũng đã nếm trải không ít gian nan, vất vả của cuộc sống biên cương. Với những người lính biên phòng như chúng tôi thì thực sự “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Trạm phó Đoàn Anh Thơ