Trong khi đó, Mátxcơva đã có những động thái mạnh tay hơn khi tuyên bố huy động thêm 300.000 binh sĩ dự bị, khẳng định sẵn sàng dùng tất cả các phương tiện cần thiết để bảo vệ lãnh thổ, bao gồm cả những vùng có thể sắp sáp nhập Nga.
Các đồng minh phương Tây đã viện trợ cho Ukraine nhiều loại thiết bị quân sự và vũ khí kể từ khi xung đột bùng phát. Nhưng đến nay vẫn né tránh gửi các hệ thống tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu và xe tăng theo tiêu chuẩn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nỗi sợ hiện nay ở Kiev là bất chấp sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu, những lời cảnh báo của Tổng thống Putin có thể khiến các đồng minh của Ukraine chùn bước trong việc chuyển giao vũ khí hạng nặng vì lo ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Mátxcơva.
“Phản ứng tốt nhất đối với sự leo thang của Nga là HIMARS, ATACMS, Abram, Leopard”, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine nói hôm 21/9. Hôm Chủ nhật, phát biểu trên đài CBS, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi viện trợ thêm nhiều hệ thống tên lửa, pháo, và xe tăng để giúp quân đội nước này đẩy mạnh phản công.
Tuy nhiên theo một quan chức cấp cao của châu Âu, khó có khả năng dòng chảy vũ khí sẽ được tăng cường hoặc bất cứ rào cản nào trước đó được phá vỡ, khi Mỹ đang tỏ ra thận trọng vì lo ngại xung đột lan rộng ra cả NATO và kho dự trữ vũ khí của châu Âu đang ở mức thấp.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc - Patrick Ryder cho biết những gì Nga nói trong thời gian gần đây sẽ “không ảnh hưởng” đến cách tiếp cận của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc hỗ trợ Kiev, vì các khoản viện trợ cho Ukraine hiện có giới hạn lên đến 2 năm.
“Nhưng tất nhiên họ sẽ thận trọng hơn”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - Andriy Zagorodnyuk cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Kiev, đề cập đến các đồng minh Ukraine. “Tổng thống Putin đang vung cây gậy hạt nhân, miễn là ông thấy rằng điều này có tác dụng răn đe.”
Theo 4 quan chức thạo tin được Bloomberg dẫn lời, không có dấu hiệu cho thấy các chính phủ châu Âu sẽ cung cấp cho Kiev một loạt vũ khí hạng nặng mới.
Những người này xác định xe tăng Leopard của Đức là loại khí tài Ukraine đặc biệt muốn có. Một số thành viên NATO bao gồm Tây Ban Nha, Hà Lan, Na Uy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cộng với ứng cử viên NATO là Phần Lan đang sử dụng loại xe tăng này. Tuy nhiên, họ chỉ có thể đưa xe tăng Leopard đi nơi khác khi có sự cho phép của Berlin. Theo một nguồn thạo tin, chưa có quốc gia nào trong số đó gửi yêu cầu như vậy lên chính quyền Đức.
Ukraine đã nhận được không ít xe tăng, bao gồm cả từ Ba Lan – quốc gia đã viện trợ hơn 250 chiếc cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng tất cả đều là xe tăng Liên Xô. Với nguồn dự trữ dần cạn kiệt, Ba Lan hiện đang chờ giao 116 chiếc xe tăng Abram M1A1 từ Mỹ vào đầu năm tới để đảm bảo nhu cầu an ninh của chính mình trước khi gửi thêm cho Ukraine.
Đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã chi 15,1 tỉ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra từ cuối tháng 2 trong khi Đức viện trợ khoảng 711 triệu đô la, bao gồm các hệ thống phòng không di động Gepard đã giúp quân đội Ukraine thực hiện cuộc phản công thành công ở khu vực Kharkov.