Bình Dương dẫn đầu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2007

TP - Theo công bố của VCCI, Bình Dương và Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu top 10 tỉnh. Hà Nội từ vị trí 40 của PCI năm 2006 lên vị trí 27 của năm 2007.
Xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh sẽ thu hút thêm nhiều dự án

Ngày 8/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2007.

PCI 2007 được VCCI và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đưa ra dựa trên 10 tiêu chí quan trọng, gồm: tiêu chí chính sách phát triển kinh tế tư nhân; tính minh bạch; đào tạo lao động; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo; chi phí thời gian để thực hiện quy định của Nhà nước; thiết chế pháp lý; ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước; chi phí không chính thức; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí gia nhập thị trường.

Kết quả điều tra năm thứ 3 này tiếp tục phản ánh tiếng nói trực tiếp và khách quan của 6.700 doanh nghiệp dân doanh trên 64 tỉnh và thành phố. Kết quả, bảng xếp hạng đã chia các tỉnh ra thành các nhóm tách biệt với các mức độ: rất tốt, tốt, khá, trung bình, tương đối thấp và thấp.

Theo đó, các tỉnh, thành đứng đầu bảng xếp hạng là: Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Bình Định. Đứng thứ hai bảng xếp hạng là: Lào Cai, An Giang, Vĩnh Phúc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, TPHCM, Sóc Trăng, Tiền Giang, Quảng Nam, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Cần Thơ. Các tỉnh nằm ở cuối bảng xếp hạng là Ninh Thuận, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Đăk Nông.

Trong bảng xếp hạng, 10 chỉ số thành phần PCI của Hà Nội, duy nhất chỉ số tính minh bạch được cải thiện, còn lại đều thấp hơn so với PCI 2006.

Có tới 4 chỉ số: tiếp cận đất đai; ưu đãi với doanh nghiệp Nhà nước; tính năng động của lãnh đạo và thiết chế pháp lý đạt dưới 5 điểm; riêng chỉ số thiết chế pháp lý thậm chí chỉ đạt ở mức 3,39 điểm.

Các chỉ số khác như: chi phí gia nhập thị trường; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước hay chính sách phát triển cũng chưa đạt tới 6 điểm.

Chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến

Vui nhất năm nay có lẽ là Hà Tây, từ vị trí “đội sổ” đã vươn lên thứ 41 trong bảng xếp hạng, với 40,73 điểm. Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tây, để thay đổi thứ hạng không phải ngày một ngày hai là làm được. PCI 2007 Hà Tây vượt lên mức trung bình là rất khá.

TPHCM cũng đã cải thiện được 10 bậc, từ vị trí thứ 17 năm 2006 lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI 2007. Dù chưa được xếp hạng trong PCI năm ngoái, nhưng Lào Cai đã trở thành một thành viên trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2007.

Nhận định về hiện tượng này, TS. Lê Đăng Doanh nói: “Chứng tỏ một tỉnh dù là miền núi, điều kiện về nhiều mặt kém thuận lợi, nếu nỗ lực cải cách cũng sẽ mang lại một môi trường kinh doanh tốt hơn nhiều tỉnh, thành phố khác”.

Trong số 10 chỉ số thành phần năm nay, chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước được các chuyên gia “mổ xẻ” nhiều nhất. Có tới 50 tỉnh chỉ đạt điểm dưới 5 trong chỉ số này. Ngay cả tỉnh đứng vị trí thứ hai - Đà Nẵng cũng chỉ được 5,83 điểm.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, điều này thể hiện mức độ quan liêu của các cơ quan nhà nước và sự tốn kém mà doanh nghiệp vẫn đang phải gánh chịu. Thiết chế pháp lý là chỉ số mà các tỉnh ghi được ít điểm nhất. Có tới 59/64 tỉnh chỉ đạt điểm dưới 5 ở chỉ số này. Bình Dương - tỉnh dẫn đầu cũng chỉ đạt 5,46 điểm.

Ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, 89% doanh nghiệp điều tra lựa chọn cách đầu tiên giải quyết tranh chấp dựa trên đàm phán và dàn xếp. Chỉ có 0,8% doanh nghiệp đưa vấn đề ra tòa án, 1,6% đưa ra chính quyền địa phương, và 0,5% nhờ tới hiệp hội doanh nghiệp.

Điều đó cho thấy, lòng tin của doanh nghiệp vào các thiết chế pháp lý xử lý tranh chấp ở các địa phương không cao. Trong khi đó, tình trạng tham nhũng vẫn còn tồn tại. 69,19% doanh nghiệp cho rằng việc trả các khoản phí không chính thức rất phổ biến, trong khi 56% doanh nghiệp cho biết phải trả tiền “hoa hồng” để có được hợp đồng từ cơ quan nhà nước.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đánh giá, sau 3 lần công bố chỉ số PCI, đã tạo ra một động lực mạnh mẽ cho các địa phương phát huy tinh thần sáng tạo, chú trọng cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh.

Chỉ số PCI là kết quả của một quá trình nghiên cứu, dựa trên cơ sở quan trọng là những đánh giá của chính các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh tại các tỉnh thành phố trong cả nước.

Thông qua PCI, chính quyền địa phương sẽ có cơ hội rà soát lại các chính sách kinh tế lạc hậu, không phù hợp để từ đó thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.