Ngày 19/1, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin trong những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 giảm đáng kể, dao động từ 30 đến dưới 100 ca mỗi ngày. Cùng với đó, số bệnh nhân điều trị tại nhà công bố khỏi bệnh từ 1.000 đến 2.000 trường hợp.
Tuy nhiên, số ca tử vong ở Bình Dương lại có xu hướng tăng. Đơn cử, trong 24 giờ qua, Bình Dương ghi nhận đến 8 ca tử vong, trong khi những ngày trước đó chỉ từ 1 đến 3 ca. So với ngày 17/1 tỷ lệ tử vong tăng khoảng 4,9% trong tổng số bệnh nhân nặng nhập viện cần được hồi sức tích cực; tuy nhiên số bệnh nhân nặng chuyển tầng điều trị giảm 13 bệnh nhân.
Hiện toàn tỉnh Bình Dương còn 107 bệnh nhân nặng. F0 nguy kịch cần thở oxy có 61 bệnh nhân. Tính trong đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 291.960 ca mắc COVID-19; đã có 511.260 bệnh nhân khỏi bệnh (bao gồm cả kết quả test nhanh), 3.355 bệnh nhân tử vong.
Do tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày tương đối cao, Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo các cơ sở y tế củng cố hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt trong công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị và đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới.
Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, để nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay tại tuyến cơ sở, ngành y tế triển khai giải pháp nâng cao năng lực điều trị F0 tại nhà của các trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động. Ngành chủ trương người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở nên y tế cơ sở phải nâng cao năng lực, chủ động trang thiết bị, nhân lực, nhất là thuốc điều trị, oxy... nhằm thực hiện tốt mục tiêu chẩn đoán, điều trị sớm, giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong. Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân. Đây là yếu tố chiến lược, quyết định cả trước mắt và lâu dài đối với công tác phòng, chống dịch bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, thông tin thêm hiện ngành đặc biệt quan tâm công tác phát hiện biến chủng Omicron có thể xâm nhập vào địa bàn. Y tế cơ sở tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, phối hợp Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố tạo thành một hệ thống đánh giá, sớm phát hiện các chủng mới; quan tâm phòng, chống dịch bệnh tại các đô thị, khu, cụm công nghiệp.
Tại tỉnh Bình Phước, theo thông tin từ Sở Y tế cho biết, tính đến nay tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn có 41.710 ca. Trong tuần qua, toàn tỉnh này ghi nhận thêm 3.400 ca F0 và 22 ca tử vong (tổng số ca tử vong tại Bình Phước là 128 ca). Số ca tử vong chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền, một số người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc xin theo quy định. Số ca đang điều trị là 8.200 ca. Trung bình mỗi ngày qua, Bình Phước ghi nhận từ 500 đến trên 600 ca mắc COVID-19.
Theo thống kê của ngành y tế, toàn tỉnh Bình Phước hiện có 215.000 người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19, trong đó 214.000 người đã tiêm 1 mũi vắc xin; hơn 203.000 người đã tiêm mũi 2 và trên 40.000 người đã tiêm mũi 3 vắc xin. Còn gần 1.300 người chưa tiêm mũi vắc xin nào.