Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh căng thẳng từ việc Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman gọi những cuộc tuần hành ủng hộ Palestine là “biểu tình hận thù” và kêu gọi cấm biểu tình vào ngày đánh dấu kết thúc Thế chiến thứ nhất.
Đụng độ giữa cảnh sát và những người phản biểu tình mang theo cờ Liên minh và cờ đỏ trắng của Anh cho thấy những phát biểu của bà Braverman đã thu hút phe cánh hữu đối đầu với những người tuần hành ủng hộ Palestine.
Cảnh sát London bắt giữ 82 người để ngăn chặn đám đông phá hoại cuộc biểu tình hoà bình. Cảnh sát cho biết, những người đó thuộc nhóm phá sự kiện, cố tiếp cận cuộc tuần hành chính.
Cảnh sát mô tả những người phá tuần hành chủ yếu là "côn đồ" bóng đá từ khắp cả nước.
Đây là cuộc tuần hành lớn nhất ở London kể từ khi bắt đầu nổ ra xung đột Israel - Hamas. Cảnh sát ước tính có khoảng 300.000 người tham gia, di chuyển khắp thành phố, từ Hyde Park đến Đại sứ quán Mỹ cách đó khoảng 5 km.
Hơn 2.000 cảnh sát được điều xuống phố để bảo đảm an ninh. Lực lượng chức năng cũng triển khai các biện pháp bảo vệ cộng đồng người Do Thái.
Thủ tướng Rishi Sunak và Bộ trưởng Braverman tỏ lo ngại rằng biểu tình có thể lan sang ngày 12/11, khi Vua Charles III và thủ tướng của các quốc gia Khối thịnh vượng chung sẽ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm chiến tranh quốc gia Cenotaph.
Trong khi đó, hơn 20.000 người tham gia cuộc tuần hành ở Brussels, Bỉ, trong ngày 11/11 để thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine và kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza.
Nhiều người hô khẩu hiệu "Palestine tự do" và "ngăn chặn nạn diệt chủng" khi họ tham gia cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra vào Ngày đình chiến.
Một số người hô khẩu hiệu phản đối Liên minh châu Âu vì cho rằng có sự thiên vị đối với Israel.