Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều cơ sở kinh doanh karaoke núp bóng quán ăn, quán trà, cà phê... "hát cho nhau nghe".
Cụ thể, quán cà phê Thu tại số 194 Giải Phóng bên ngoài là các bàn cà phê nhưng bên trong là phòng hát. Theo quan sát của chúng tôi, bên trong một phòng hát tại cơ sở này rộng chừng 20m2, gồm 1 bộ bàn ghế dài, máy chiếu, tivi và hệ thống âm thanh.
Một phụ nữ giới thiệu là chủ quán cho biết, quán hoạt động từ 8 năm qua. Quán có 2 phòng hát, mỗi phòng chứa được khoảng 10 người. Giá tiền hát mỗi giờ là 200.000 đồng và các dịch vụ khác.
"Hiện có 1 phòng đang có khách, còn 1 phòng trống em hát thì chị cho nhân viên phục vụ", nữ chủ quán cho biết.
Quán cà phê 98 hát cho nhau trên đường Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm) bên ngoài có 5-6 bàn nước và hệ thống loa đài, phía sau nhà là dãy phòng hát. Tuy nhiên, nhân viên cho biết hôm nay quán tạm dừng hoạt động.
Không chỉ các cơ sở trên, trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở khác cũng hoạt động tương tự. Theo thống kê đến cuối tháng 2/2024, trên địa bàn huyện Thạch Thất có 132 cơ sở kinh doanh karaoke và dịch vụ hát cho nhau nghe. Trong đó có 21 cơ sở kinh doanh karaoke và 111 cơ sở kinh doanh dịch vụ hát cho nhau nghe.
UBND quận Đống Đa, đến 1/7/2024 chỉ còn 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Trong đó, có 7 cơ sở đủ điều kiện hoạt động trở lại, được thẩm duyệt về PCCC và các điều kiện về an ninh, trật tự; 11 cơ sở đang tạm dừng.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, bán cà phê, quán ăn... hát cho nhau nghe là hình thức kinh doanh có kết hợp thêm hoạt động ca hát. Do đó, khi mở quán cà phê hoặc các dịch vụ khác kết hợp karaoke phải đáp ứng điều kiện kinh doanh của cả 2 loại hình này.
Cụ thể, chủ cơ sở ngoài phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh về thực phẩm như đăng ký kinh doanh còn phải đáp ứng các quy định về kinh doanh karaoke.
Tuy nhiên, các quy định hiện hành về karaoke rất phức tạp nên hầu hết các cơ sở này không đáp ứng được. Thực tế, nhiều chủ cơ sở chỉ đăng ký kinh doanh dịch vụ giải khát nhưng đến khi đi vào hoạt động lại thực hiện thêm cả hoạt động hát karaoke.
Luật sư Hùng cho biết, với trường hợp này, chủ cơ sở kinh doanh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về vi phạm quy định về giấy phép trong tổ chức hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP. Theo quy định này thì chủ cơ sở kinh doanh có hành vi kinh doanh hoạt động karaoke không có giấy phép hoặc chủ cơ sở không thực hiện việc đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, chủ cơ sở cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh gây tiếng ồn, hoạt động quá giờ... nếu cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, luật sư Hùng nói.