Nghiên cứu được thực hiện bởi bác sĩ Xu Jianguo (Viện Kiểm soát - Phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm Trung Quốc), và được đăng tải trên tạp chí An toàn Sinh học.
Trước đó, giới khoa học đã kết luận rằng biến thể Omicron phát triển từ một biến thể lưu hành giữa năm 2020. Tuy nhiên, họ vẫn đang tìm kiếm lời giải thích cho việc chưa phát hiện phiên bản trung gian (giữa biến thể gốc với biến thể Omicron) trên người. Điều này khiến nhiều người đặt ra giả thuyết biến thể Omicron có thể đã tiến hoá trên động vật.
Theo bác sĩ Xu Jianguo, dữ liệu đột biến cho thấy virus SARS-CoV-2 dường như đã thích nghi để xâm nhập các tế bào của chuột. Sau đó, virus “tích luỹ các đột biến từ từ theo thời gian” và lây ngược trở lại cho con người, tạo thành biến thể Omicron.
Phát hiện này đặt ra những thách thức mới trong việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, vì có nguy cơ các chủng virus corona sẽ tiếp tục tiến hoá trên động vật.
Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Xu kêu gọi các quốc gia và giới khoa học “tăng cường giám sát động vật, đặc biệt là các loài gặm nhấm” vì chúng rất gần gũi với con người.
Ngày 18/1, giới chức Hồng Kông (Trung Quốc) quyết định tiêu hủy hàng nghìn con chuột hamster sau khi phát hiện chùm lây nhiễm biến thể Delta xuất phát từ một cửa hàng thú cưng.
Ở thời điểm đó, ít nhất 11 con chuột hamster đã được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Cơ quan chức năng Hồng Kông cũng tiến hành xét nghiệm hàng loạt cá thể thỏ và sóc chinchilla, nhưng đều cho kết quả âm tính.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nguy cơ virus SARS-CoV-2 lây lan từ động vật sang người được cho là khá thấp. Dù hiếm gặp, nhưng một số chủng virus corona ở động vật vẫn có thể lây sang người trước khi tiếp tục lây truyền từ người sang người, giống trường hợp virus SARS-CoV-2 (nghi bắt nguồn từ dơi).