Bị Tổng thống Obama chỉ trích, NSA suy sụp

TP - Các nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ NSA đang trải qua giai đoạn suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Sau những vụ tố giác động trời của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, trạng thái tinh thần của họ đã xuống đến mức thấp nhất.

> An ninh Mỹ nghe lén khắp thế giới thế nào?
> Báo Hà Lan: 'Mỹ giám sát 50.000 máy tính trên thế giới'

Họ càng hoang mang hơn khi Tổng thống Barack Obama đã mấy tháng nay không đến chỗ họ. Lần gần đây nhất, ông Obama đến chỗ họ là vào tháng 6. Vào thời điểm đó, ông vẫn tìm cách bênh vực họ khi tuyên bố rằng “mọi hành động của NSA đều có thể được biện minh bởi vì đều xuất phát từ mong muốn làm thế nào để chúng ta được an toàn, hoạt động của NSA đã cứu được nhiều sinh mạng con người”.

Nhưng trong thời gian gần đây ông Obama đã thay đổi quan điểm. Ông nhiều lần chỉ trích việc NSA tiến hành do thám đông đảo người dân trên phạm vi toàn cầu và theo nhận định của các nhà phân tích, những lời chỉ trích như vậy rất có thể là tín hiệu báo trước NSA có thể bị “ngắt van dưỡng khí”.

Cựu Chánh Thanh tra NSA là Joel Brenner mới đây đã lên tiếng than thở với tờ Washington Post về vấn đề này. Brenner cho biết toàn bộ đội ngũ của NSA - từ các cấp chóp bu cho đến các nhân viên bình thường - đều trong tâm trạng “cực kỳ hoang mang và thất vọng”. Brenner nói thêm là mặc dù trước đây họ đã thực hiện những nhiệm vụ được công khai tán thành nhưng giờ đây Nhà Trắng lại không ủng hộ họ.

Một trong những bằng chứng cho thấy Tổng thống Obama thay đổi quan điểm đối với NSA là ông nói rõ có ý định cải tổ cơ quan do thám hùng mạnh nhất thế giới này.

Hồi giữa tuần qua, ông tuyên bố NSA cần thực hiện một số hạn chế trong hoạt động của mình để người dân Mỹ không phải lo ngại về việc đời sống riêng tư của họ bị xâm phạm. Ông hứa sẽ đưa ra những đề xuất của ông trong những ngày sắp tới. Ông buộc phải thừa nhận rằng những lời tố giác của Snowden trong một số lĩnh vực đã gây ra mối lo ngại hợp pháp của đông đảo người Mỹ.

Để trấn an dư luận xã hội, ông Obama khẳng định các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có NSA, không đọc trộm các tin nhắn trên mạng của người Mỹ và không tiến hành do thám bên trong nước Mỹ. Ông thừa nhận NSA hoạt động ở bên ngoài nước Mỹ năng nổ hơn bởi vì tại các nước khác, NSA không bị pháp luật Mỹ kiềm chế.

Tổng thống Obama nhiều lần chỉ trích việc NSA tiến hành do thám đông đảo người dân trên phạm vi toàn cầu. Những lời chỉ trích như vậy rất có thể là tín hiệu báo trước NSA có thể bị “ngắt van dưỡng khí”.

NGỌC THOA
Theo Kp.ru

Theo Báo giấy