Bí quyết kiếm việc

TP - Tìm việc- nhiệm vụ vừa quan trọng vừa cấp bách đối với bất kỳ sinh viên nào mới ra trường. Hãy nghe lời khuyên của những cử nhân đã tìm thấy hướng đi ngay khi rời khỏi cổng trường đại học.

Chấp nhận thử thách để có cơ hội học hỏi (Anh Kiên, Cty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu SACO)

Như nhiều SV Luật, việc đầu tiên tôi làm sau khi ra trường là mang hồ sơ đi xin việc. Nhiều SV Luật ra trường thường sợ thất nghiệp nên họ chấp nhận một công việc bình thường với mức lương đủ sống.

Đặt mục tiêu thu nhập rõ ràng là rất quan trọng nhưng nếu chỉ chăm chút cho mỗi mục tiêu này ngay khi ra trường thì một sinh viên mới ra trường có thể rơi vào vòng luẩn quẩn. Thậm chí đó là sự ổn định trong bất ổn. Chỉ có thứ duy nhất có thể đảm bảo sự ổn định lâu dài là kiến thức và năng lực…

Vậy nên, mục đích hàng đầu của tôi không phải là tìm công việc có thu nhập cao mà tôi chấp nhận vào một văn phòng luật, mức lương trung bình nhưng có nhiều cơ hội học hỏi. Kiến thức luật học được trong trường cần sự cọ xát để phù hợp với thực tế.

Bởi vậy, những năm đầu tiên đi làm là quá trình tiếp tục học từ xã hội, học từ công việc. Nếu vừa tìm việc vừa quan sát, học hỏi và xây dựng các mối quan hệ thì 5 năm sau khi ra trường, tôi cho rằng “vứt” vào đâu một cử nhân luật cũng có thể sống được.  

Mạnh dạn “mở lối” làm ông chủ (Anh Nguyễn Đình Cương - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Thương mại và đầu tư xây dựng số 32 – Hà Nội)

Năm 2000, tôi tốt nghiệp ĐH Dân lập Thăng Long. Ngay từ thời SV, tôi đã tham gia nhóm phát hành tạp chí Special English (lúc đó mới có mặt tại Hà Nội). Với kinh nghiệm và những mối quan hệ mình đã có, tôi hoàn toàn tự tin mình có thể thành ông chủ.

Tháng 8/2001, sau thời gian nghỉ ở nhà (Hà Tây), tôi quyết định mở một CLB bồi dưỡng kiến thức cho học sinh PTTH chuẩn bị thi ĐH, CĐ ngay tại quê nhà... Chỉ sau một tháng, CLB đã hoạt động tốt do đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh và các phụ huynh.

Hai năm làm việc ở đây, được coi bước chuẩn bị cho những hoài bão lớn của tôi. Bởi vậy các bạn SV có thể đi làm thêm để tích luỹ kinh nghiệm, hay mạnh dạn “mở lối đi mới” để làm ông chủ, nhưng cái quan trọng nhất các bạn cần là kiến thức, kinh nghiệm chứ không phải là cứ tự hào có bằng cấp.

Sáng tạo mới dễ kiếm tiền (Chị Ngô Thị Ngân, cựu SV Mỹ thuật Hà Nội, hiện là giảng viên CĐSP Mẫu giáo TƯ).

Ra trường được nửa tháng, tôi về làm ở Hội  Mỹ thuật tỉnh nhưng “ bức ” quá lại phải “chạy” ra. Nghề này cần “đất” để sáng tạo. Mấu chốt là bạn đừng bao quá nhiều đất, cảm xúc sẽ bị dàn trải. Theo tôi, dân mỹ thuật không có từ “ thất nghiệp” mà chỉ có khái niệm công việc “động” hay “ tĩnh”. Nghĩa là, bạn làm việc bên ngoài hoặc ở  nhà vẽ tranh, thậm chí cả hai.

Làm việc bạn sẽ nhận thấy, bán sáng tạo mới kiếm được tiền, còn bán kỹ năng thì không ổn. Đơn giản, bạn là người vẽ ra những bức tranh mới sẽ có giá hơn bạn đi chép tranh thuê. Những vấp váp ban đầu sẽ cho bạn những kinh nghiệm quý mà sau này bạn chẳng mua được với giá rẻ như thời SV.

Lập trình cho tương lai dựa trên sự khác biệt (Kỹ sư Nguyễn Thiên Tuấn, Cty AG-Vina Engineering Co, LTD)

Tôi đã thi đỗ vào một Cty trước khi tốt nghiệp 2 tháng. Hôm trước bảo vệ luận văn, hôm sau tôi làm nhân viên chính thức của Cty này. Lợi thế của tôi là biết tiếng Nhật. Tôi đã chuẩn bị cho ngày ra trường từ năm thứ 2 bằng việc đi học tiếng. Nhiều người bảo dân cơ khí dễ xin việc. Nhưng thực ra làm công nhân cơ khí thì dễ chứ làm một kỹ sư cơ khí thực sự chẳng dễ chút nào.

Hãy học những điều người khác khó có được, ngoại ngữ chính là điểm yếu của nhiều SV cơ khí hiện nay. Vì vậy, nếu bạn chịu khó học ngoại ngữ thì đây là chìa khóa mở cho bạn những cơ hội ngàn vàng.

Nếu bạn muốn làm ở một Cty liên doanh và đặc biệt là Cty của Nhật thì ngoài chuyên môn giỏi, tiếng giỏi bạn phải có phong thái đĩnh đạc, tác phong công nghiệp, sự nhiệt tình có thừa và đầu óc sáng tạo của tuổi trẻ. Đừng “chê” Cty đó nhỏ mà không vào. Ở đâu có chỗ để bạn học hỏi và trọng dụng thì nên vào. Hãy lập trình tương lai của bạn ngay từ bây giờ”.