Kiểm tra IMEI của máy với hệ thống của Apple
Dù có "xào nấu" rất nhiều bên trong của máy và dựng lên một lớp vỏ như mới nhưng IMEI để kiểm tra xuất xứ của iPhone vẫn không thể làm giả được.
Cụ thể hơn, trên mỗi chiếc máy sẽ có một mã IMEI gồm 15 chữ số và để có thể tìm kiếm số IMEI trên máy thuận tiện nhất, người dùng truy cập vào chức năng nghe gọi > thực hiện lệnh *#06#. Một dãy IMEI sẽ hiện ra và hãy nhập IMEI này vào hệ thống của Apple để kiểm tra tại địa chỉ: https://selfsolve.apple.com/agreementWarrantyDynamic.do
Khi nhập dãy số IMEI gồm 15 chữ số vào hệ thống, Apple sẽ đưa ra thông tin cho người dùng biết đây là chiếc máy iPhone thế hệ nào và còn trong thời gian bảo hành hay không. Giả sử nếu người dùng nhập dãy IMEI trên vào hệ thống và được trả về với kết quả không tìm thấy, tức đây là những chiếc máy đã được dựng lại hoặc báo mất và bị xóa khỏi hệ thống của Apple.
Đây là điều quan trọng dành cho người dùng mua sắm các iPhone cũ mang mác hàng còn mới 99% như lời rao bán của các cửa hàng.
Những chiêu trò của cửa hàng hoá phép iPhone, iPad như mới
Việc 1 chiếc iPhone thay vỏ ngoài đẹp mắt nhưng bên trong mới là điểm chính mà người dùng quan tâm.
Đơn cử như iPhone 5 đang là dòng sản phẩm thu hút người dùng, đặc biệt là đối với học sinh sinh viên. Dòng sản phẩm này hiện được chào bán ở mức 5 triệu đồng trở lại dành cho máy được rao còn đẹp như mới.
Tuy nhiên, người dùng cần biết rằng, iPhone 5 đã hơn 2 năm tuổi cũng như đã dừng sản xuất hơn 1 năm nay. Như vậy để có một chiếc iPhone 5 mà ngoại hình còn mới đến 99% là điều không thể và rất khó. Trong khi đó, dạo qua các cửa hàng chào bán sản phẩm iPhone 5 như mới, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm đều tương đồng nhau về ngoại hình, lớp vỏ mới như nhau mà không tìm thấy được một vết trầy nhỏ.
Theo anh Hùng, một kỹ thuật viên phần cứng tại TPHCM đã cho biết trước đó rằng: "Những chiếc máy này đều được dựng lại với khung viền như mới và không có sản phẩm nào là hàng zin theo máy cả. Nhiều cửa hàng nhập về nguyên lô hàng từ Trung Quốc về để bán cho khách. Trong khi đối với hàng cũ mua lại, họ cũng hô biến lớp vỏ ngoài thành mới một cách dễ dàng."
"Nếu chấp nhận mua những dòng sản phẩm này thì người dùng không thể đòi hỏi vỏ zin theo máy được. Vì vỏ cũ thì bán lại khó mà người dùng chẳng thích lớp vỏ cũ. Do đó, cần phải thay thế mới bán được. Chất lượng bên trong thì hên xui, do đó cần kiểm tra bên trong để quyết định mua sắm", Anh Hùng nói.
Theo như anh Hùng, khi quyết định mua iPhone cũ, người dùng nên yêu cầu được kiểm tra bên trong thiết bị rồi hãy mua. Người dùng có thể yêu cầu ngay cửa hàng tháo ra và chấp nhận trả thêm chi phí tháo mở khoảng 100.000 đồng và cam kết sẽ mua máy khi bên trong chưa bị sửa chữa.
Bên cạnh đó, muốn an tâm hơn, người dùng còn có thể nhờ một kỹ thuật viên khác xem chiếc máy ở bên trong và trả phí kiểm tra dưới 200.000 đồng. Các kỹ thuật viên sẽ xem các lồng che đậy các con chip và kiểm tra máy đã bị can thiệp vào phần cứng hay chưa? Màn hình của máy đã bị thay thế chưa?... Chính điều này giúp bạn yên tâm hơn trong quá trình sử dụng.
Mặt khác, khi mua máy tại cửa hàng, người dùng nên yêu cầu về việc bảo hành và được đổi trả lại thiết bị khi lỗi xuất phát từ phần cứng như: sóng yếu, PIN kém hay tắt nguồn...
Ngoài ra, người dùng khi mua sắm iPhone cũ cũng nên kiểm tra tình trạng khóa iCloud trên thiết bị. Truy cập vào đường dẫn: www.icloud.com/activationlock và nhập số IMEI của máy để kiểm tra xem thiết bị này đã khóa chưa. Hãy chú ý từ: Activation Lock: Off/On (nếu hiển thị là off, đây là thiết bị sạch có thể mua. Nếu là On, hãy yêu cầu người bán mở khóa tất cả tài khoản iCloud trên thiết bị rồi hãy mua.)