> Giang hồ khét tiếng 'ẩn danh' dưới mác doanh nhân
Cả xã Ngọc Vân (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) có 24 làng thì đến 2/3 trong số đó là những làng có người buôn hoặc dính dáng đến ma túy. Từng một thời, tỷ lệ thuận với những ngôi biệt thự bề thế mọc lên, người ta lại khinh miệt, kỳ thị vùng quê được coi như “thiên đường” của ma túy này.
Ở đó, nhiều “ông trùm” ma túy khét tiếng bậc nhất Bắc Giang đã lớn lên, để rồi reo rắc “cái chết trắng” cho xã hội. Nhưng ít người biết, khi những ông trùm sa vòng tù tội, thì hệ lụy sau đó lại đổ cả lên đầu người phụ nữ chân yếu tay mềm. Cuộc sống buồn thảm của chị Tạ Thị Hạt, vợ “trùm” ma túy khét tiếng Dương Ngô Trung là một bi kịch như vậy…
Mối nhân duyên kỳ lạ
Nhiều năm trôi qua, giữa căn nhà bề thế nhưng quạnh quẽ vì thiếu hơi ấm đàn ông, chị Hạt cùng ba đứa con thơ dại lủi thủi đi về như một cái bóng vật vờ. Nỗi cay cực cuộc đời đổ ập lên đầu khiến chị trông già hơn tuổi 40 của mình quá nhiều, đôi mắt tiều tụy, quầng thâm vì mất ngủ.
Chị bảo: “Tôi cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, chỉ mơ một mái ấm bình dị, hạnh phúc. Nhưng từ khi sánh bước cùng anh ấy (Dương Ngô Trung), giấc mơ ấy lại biến thành một cơn ác mộng”.
Ngồi trầm ngâm một lát như để lần giở lại từng trang ký ức, chị tâm sự bâng quơ: “Thời thiếu nữ, tôi mê văn chương. Lần đọc tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, tôi vẫn nhớ nhân vật Chàng lấy được vợ nhờ mấy bát bánh đúc. Không ngờ, câu chuyện ấy sau này lại “vận” chính vào cuộc đời tôi, chỉ khác không phải bánh đúc mà là… một bao lạc”.
Giọng trầm buồn, chị Hại nhớ lại mối nhân duyên tình cờ của mình: “Ngày ấy, nhà tôi nghèo, được khoán mấy sào bãi nhưng chẳng trồng được cây gì ngoài lạc. Mấy miệng ăn gia đình trông chờ hết vào đó. Tuy nhiên, lạc trồng ra phải mang lên tận thành phố Bắc Giang, cách nhà tôi gần 30 km để bán. Một lần, tôi đi bán lạc về muộn, lúc về trời đã nhá nhem tối, đến đoạn đường vắng, bất chợt có hai người đàn ông lao ra chặn đường và cướp hết tiền của tôi.
Lúc đó, tôi vừa sợ vừa lo lắng không biết lấy tiền đâu để mang về cho mẹ đong gạo, chỉ biết đứng đó gào khóc. Khoảnh khắc đó, tôi chợt giật mình khi nghe tiếng phanh xe kêu ken két rồi một người đàn ông bước xuống ngay phía sau lưng. Trong bóng tối lờ mờ, tôi bỗng hét lên sung sướng vì nhận ra đó chính là anh Trung, người trước đây từng đi bộ đội với anh trai mình. Nghe tôi kể chuyện bị cướp, anh Trung liền móc trong túi quần ra 100.000 đồng đưa cho tôi. Mãi sau này, tôi mới biết trong người anh Trung lúc ấy chỉ có đúng 100.000 đồng, đó là số tiền anh phải đi gánh gạch thuê mấy ngày mới có”.
Cảm phục trước tấm lòng nhân ái và trượng nghĩa của Trung, chị Hạt đem lòng thương thầm nhớ trộm anh lúc nào không biết. Bẵng đi ba tháng không gặp lại, đúng hôm chị Hạt gom được 100.000 đồng định mang xuống trả thì thấy anh Trung và mẹ… mang trầu cau đến nhà đặt vấn đề xin cưới.
“Thấy hai người đến, tôi vội chạy xuống bếp lúi húi làm cơm. Đang còn hồi hộp vì mọi chuyện xảy ra quá nhanh thì anh Trung đã xuống, thì thầm vào tai tôi: “Em đồng ý lấy anh làm chồng được không? Từ buổi tối hôm gặp em đến giờ, không lúc nào anh không nhớ đến em, hãy để cho anh được chăm sóc em”.
Và cuộc sống địa ngục bên “ông trùm” vũ phu
Lấy nhau về chỉ với hai bàn tay trắng, cuộc sống gia đình càng thêm vất vả hơn khi hai đứa con lần lượt ra đời. Túng bấn, hai vợ chồng chị xoay qua làm nghề đốt gạch. Chị Hạt cho biết: “Lúc đầu không có vốn, hai vợ chồng cứ hì hục đóng gạch, lấy công làm lãi, năm cũng đốt được lấy hai lò. Từ đó, cuộc sống gia đình dần vơi đi nỗi cơ cực. Nhưng kể từ lúc đó, anh Trung thay đổi tính nết. Từ một người chịu khó lao động yêu thương vợ con, anh ấy trở thành người nát rượu, ham mê cờ bạc”.
Phải hít bao nhiêu khói than, đội nắng đến cháy da cháy thịt để làm ra những viên gạch, tích cóp từng đồng bạc nhưng Trung không hề biết quý trọng. Bao nhiêu tiền bạc, tài sản, Trung nướng hết vào chiếu bạc đỏ đen. Càng đánh càng thua, Trung lại mượn rượu để giải sầu rồi trở thành con “ma men” lúc nào không biết.
“Bỏ mặc vợ con đã đành, đằng này mỗi khi rượu say, thua bạc, anh ấy lại về trút những uất ức lên thân thể tôi. Anh đi đánh bạc tôi can ngăn, thì anh quay sang đánh đập tôi không thương tiếc”.
Âm thầm chịu đựng thói cục cằn, vũ phu của người chồng, chị vẫn tin Trung rồi sẽ có lúc thay đổi. Nhưng rồi, hy vọng mong manh ấy cũng sớm tàn, khi từ cờ bạc, Dương Ngô Trung chuyển sang tìm cách “đổi đời” bằng con đường buôn ma túy.
Chị Hạt kể: “Người dẫn anh ấy vào con đường tội lỗi ấy không ai khác là “bà trùm” khét tiếng Nguyễn Thị Ca. Cho đến trước ngày bị bắt, chính bà Ca đã biến anh Trung trở thành một “ông trùm” có số má nhất nhì đất Ngọc Vân này”.
Những đồng tiền kiếm được, Trung mang về xây căn biệt thự lớn nhất làng Tân Hội. Ngoài căn nhà đồ sộ, Trung chỉ đưa cho vợ chút tiền chi tiêu vặt vãnh. Chứng kiến sự phất lên quá nhanh của chồng, nhiều lần, chị Hạt gặng hỏi thì Trung lấp liếm: “Tiền ấy là tiền thắng bạc”.
Những ngày tháng cứ thế trôi qua. Lợi nhuận khổng lồ mà ma túy mang lại khiến “ông trùm” Dương Ngô Trung lún vào con đường tội lỗi ngày càng sâu. Những phi vụ làm ăn, ban đầu với số lượng hàng ít ỏi dần tăng cấp độ. Thời gian sinh hoạt của Trung, cuốn theo các phi vụ, cũng trở nên thất thường. Trung chẳng mấy khi ở nhà, chẳng để ý vợ con. Phần lớn tiền bạc kiếm được, Trung đốt vào những cuộc ăn chơi, bao đàn em bên ngoài. Sống đạm bạc giữa căn nhà to lớn, chị Hạt chỉ biết toàn bộ sự thật sau một lần gấp quần áo cho chồng.
“Hôm ấy anh Trung về nhà ngủ một đêm để sáng hôm sau đi sớm. Thương chồng, tôi lục tủ định gấp ít quần áo cho anh mang đi. Không ngờ, khi lần vào hộc đựng quần áo của chồng, tôi phát hiện một cục màu trắng, hình vuông nóm như bánh xà phòng. Tò mò cầm lên ngắm nghía, tôi bị anh Trung quát lớn. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh Trung nói đó là ma túy, chân tay tôi như rụng rời. Giữa đêm hôm ấy, tôi cùng các con quỳ xuống van xin anh ấy dừng lại. Nhưng đồng tiền làm mờ mắt, anh Trung không những không nghe mà còn dọa giết cả mấy mẹ con nếu chúng tôi dám hé răng”, chị nức nở kể lại.
Từ sau lần ấy, “ông trùm” ma túy gần như không về nhà. Một mình chị Hạt, còm cõi gồng mình đóng gạch, làm thuê làm mướn nuôi các con rau cháo qua ngày. Chị nghe nói, chồng mình đã “cặp kè” cùng một cô “vợ bé” khác bên ngoài để che mắt thiên hạ, tiện bề phục vụ cho việc làm ăn phi pháp. Biết chồng dính đến thứ chết người ấy thì sớm muộn cũng chẳng có ngày về, chị gượng đi tìm, hết lời khuyên nhủ. Đang bụng mang dạ chửa, người vợ tội nghiệp chỉ mong chồng mình nghĩ đến những đứa con thơ dại mà hồi tâm, quay đầu làm lại cuộc đời. Nhưng mỗi lần gặp, chị lại bị Trung đuổi đánh, chửi bới.
Vô vọng, chị đành trở về và tự nhủ: “Tôi sẽ nuôi các con khôn lớn bằng những đồng tiền trong sạch, bằng mồ hôi nước mắt của chính mình chứ không nhận một đồng tiền phi nghĩa nào”.
Năm 2009, Ngô Trung bị bắt. Ngày nghe Dương Ngô Trung nhận án tử, chân chị khuỵu xuống, hai dòng nước mắt chảy tràn. Một phần thương người chồng lạc lối, một phần thương cho những đứa con bơ vơ vì sẽ thiếu vắng đi tình cảm của cha.
Chị Hạt đau khổ “Có thể với mọi người, anh ấy là tội đồ, dù có phải trả giá bằng mạng sống cũng không hết tội. Nhưng với tôi, anh ấy vẫn là chồng, là cha của ba đứa con tôi”. Những hy vọng cuối cùng cho sự trở về của người chồng lạc lối đã không còn, người phụ nữ bất hạnh đành gạt nước mắt, chấp nhận số phận.
Theo Gia Đình Xã Hội