Bị dị ứng thế này khi trời lạnh có thể tử vong

TPO - Dị ứng thời tiết, nhiều người bị nổi mề đay phải nhập viện. Tuy là bệnh ngoài da, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm như khó thở, tụt huyết áp đột ngột, thậm chí tử vong.
Ảnh minh hoạ: Internet

ThS.BS Quách Thị Hà Giang – Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, những ngày rét đậm gần đây số bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh mề đay gia tăng hơn so với ngày thường.

Theo BS. Giang, bệnh mề đay (hay còn gọi là bệnh mày đay) là bệnh ngoài da thường gặp trong chuyên ngành da liễu. Đa số bệnh nhân đến khám với các triệu chứng nổi ban đỏ, sẩn phù kèm theo xuất hiện tình trạng ngứa nhiều khó chịu.

Dù chỉ là bệnh ngoài da nhưng theo BS. Giang nếu người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời thì rất dễ bị những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân của bệnh mề đay được chia làm hai nhóm chính đó là có căn nguyên và không có căn nguyên. Trong đó nhóm có căn nguyên có thể do tiếp xúc với hóa chất, thức ăn, khói bụi, thời tiết... Thậm chí cũng có trường hợp bị mề đay do tiết nhiều mồ hôi, do tác động của áp lực bên ngoài với da.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng có thể xuất hiện mề đay đó là do nhiễm khuẩn, đó có thể là nhiễm khuẩn từ răng miệng, đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa...

Theo các BS, dị ứng thời tiết, nổi mề đay mẩn ngứa ở người lớn hay trẻ nhỏ đều xuất phát từ một số nguyên nhân như cơ địa dễ dị ứng, thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường ô nhiễm khói bụi, thời tiết oi bức,…

Dấu hiệu điển hình nhất của bệnh dị ứng thời tiết là da bị nổi mề đay, mẩn ngứa, khó chịu, da nổi phát ban, sẩn đỏ. Biểu hiện này thường xuất hiện nhiều nhất ở vùng da hở như mặt, cánh tay, chân, môi, mi, mắt…Ảnh minh hoạ: Internet
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ khi nào, thường gặp nhất là tình trạng dị ứng thời tiết lạnh. Nghĩa là số lượng bệnh nhân bị dị ứng thời tiết, nổi mẩn đỏ thường tăng lên khi trời sang thu và bắt đầu trở lạnh.

Dấu hiệu điển hình nhất của bệnh dị ứng thời tiết là da bị nổi mề đay, mẩn ngứa, khó chịu, da nổi phát ban, sẩn đỏ. Biểu hiện này thường xuất hiện nhiều nhất ở vùng da hở như mặt, cánh tay, chân, môi, mi, mắt…

Triệu chứng nổi mề đay mẩn ngứa do dị ứng thời tiết cấp và mãn tính ở mỗi người một khác, mức độ nguy hiểm bệnh mang lại cũng khác nhau.

Thông thường, bệnh sẽ được kiểm soát nếu xử lý đúng cách. Tuy nhiên, nếu chữa trị không kịp thời thì bệnh có thể gây nhiều biến chứng như khó thở, tụt huyết áp, dị ứng khắp người, thậm chí là hôn mê, sốc phản vệ.

BS. Giang cảnh báo, khi bị mề đay nhẹ thì thường nổi các ban đỏ, nốt sẩn phù trên da và gây nên cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong trường hợp nặng, mề đay có thể xuất hiện triệu chứng toàn thân, ảnh hưởng đến hô hấp gây nên tình trạng co thắt, khó thở, ảnh hưởng đến đường tiêu hoá gây đau bụng, tiêu chảy.

"Một biến chứng tuy rất hiếm gặp nhưng cũng không nên chủ quan đó là gây nên tình trạng phản vệ với biểu hiện hạ huyết áp, sốc, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Vì thế, người dân không nên chủ quan dù chỉ với tổn thương da đơn thuần"- chuyên gia da liễu khuyến cáo.

Phòng tránh nổi mề đay khi trời lạnh

- Chú ý giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ thay đổi, nhất là các vùng dễ bị lạnh như mũi, cổ, tay, chân… Cẩn thận khi ra ngoài vào những ngày giá lạnh.

- Những người có tiền sử nổi mề đay nên hạn chế ăn các món ăn dễ gây dị ứng như hải sản, lạc, dứa… khi trời lạnh. Các bạn cũng không nên uống rượu, bia nhiều bởi điều này cũng khiến cho các yếu tố gây nổi mề đay phát triển mạnh.

- Giữ vệ sinh răng miệng, đường hô hấp, mũi, hầu họng… để phòng tránh các bệnh do vi khuẩn, virus…

- Khi bị nổi mề đay, chúng mình tuyệt đối không nên gãi bởi điều này có thể gây ra tình trạng xây xát, chảy máu, dẫn đến bội nhiễm da, mưng mủ và gây biến chứng nặng.