Phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là nơi nhộn nhịp nhất của địa phương này. Khu dân cư Chánh Nghĩa cũng được ví như “khu Tây” Quận 1 (TP.HCM) và cũng từ nơi đây, người ta lấy làm lạ vì tồn tại một khu mộ cổ hàng trăm năm.
Theo thông tin từ Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, khu mộ có phần đặc biệt này là của phu nhân, con cháu Anh hùng yêu nước Nguyễn Hữu Huân (hay thường gọi là Thủ Khoa Huân).
Bà Nguyễn Thị Ân (1839-1909) là người đã cùng hai con Nguyễn Hữu Ngãi (1863-1814) và Nguyễn Hữu Giác (1875-1939) chạy trốn từ tỉnh Mỹ Tho (cũ, nay là tỉnh Tiền Giang) đến tỉnh Thủ Dầu Một (cũ, nay là tỉnh Bình Dương), thay tên đổi họ khi Thủ Khoa Huân bị Pháp kết án chém đầu vào năm 1875.
Anh hùng yêu nước Thủ Khoa Huân từng đỗ đầu các cử nhân nho học ở khoa thi Hương của năm Nhâm Tí (1852) tại trường thi Gia Định dưới triều vua Tự Đức nhà Nguyễn. Thủ Khoa Huân được đề cử chức Giáo thụ phủ Kiến An, lúc đầu chống Pháp được giữ chức Phó Quản đạo. Khi quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông không ngừng tham gia hoặc trực tiếp thành lập các tổ chức nghĩa quân chống Pháp ở nhiều nơi, chủ yếu trên địa bàn vùng đất Mỹ Tho – Tân An – Đồng Tháp. Sau nhiều lần bị bắt giam, tù đày, quản thúc, Thủ Khoa Huân vẫn kiên trì chống Pháp.
Đến 1875 ông bị bọn quan lại tay sai bắt giao cho quân Pháp và bị kết án tử hình với tội chém đầu vào ngày 15/9/1875 tại pháp trường Mỹ Tho. Lăng mộ ông được xây dựng, tôn tạo tại quê nhà thuộc xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang. Tên của ông được đặt cho nhiều con đường, trường học trong cả nước.
Từ khi Thủ Khoa Huân mất đến nay còn tồn tại một khoảng trống trong tiểu sử về gia cảnh của nhà yêu nước này mà vẫn chưa được làm sáng tỏ và thấu đáo, nhất là đối với cư dân vùng đất Thủ Dầu Một, Bình Dương. Sự tồn tại của người vợ cùng hai con trai của Thủ Khoa Huân nhiều người dân ở Bình Dương vẫn chưa biết.
Bà Nguyễn Thị Ân cùng hai con đã sống từ 1875 đến cuối đời tại Thủ Dầu Một, Bình Dương từ đó cho đến nay nhưng ít người biết đến.
Trên một khu đất rộng hàng ngàn mét nằm giữa trung tâm phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một là khu mộ của bà Ân và hai con trai cùng các con dâu, hiện vẫn còn nguyên vẹn với đầy đủ tên họ, các dấu tích bằng chữ Hán trên bi ký tại các ngôi mộ.
Sau khi Thủ Khoa Huân bị chém đầu (có tài liệu cho rằng sẽ xử tội tru di) nên người vợ là bà Nguyễn Thị Ân và đứa con trai của ông, phải nhanh chóng trốn tránh sự truy tìm của bọn tay sai cho Pháp về ẩn cư, sinh sống tại một vùng đất lúc bấy giờ còn khá cách trở Thủ Dầu Một cho đến khi mất tại đây.
Theo lãnh đạo phường Chánh Nghĩa, trước đây các ban, ngành của tỉnh đã làm việc với thân nhân vợ Anh hùng Thủ Khoa để di dời khu mộ đến nơi khác thanh tịnh hơn nhưng đàm phán không thành. Sở dĩ khu mộ đến nay vẫn nằm giữa lòng TP. Thủ Dầu Một mà không di chuyển đi nơi khác là vì người thân của phu nhân Thủ Khoa Huân có nguyện vọng được giữ nguyên vị trí ngôi mộ để chứng minh dấu tích lịch sử về người vợ và hai con của Anh hùng yêu nước Thủ Khoa Huân.
Trong khu mộ có bia ghi ứng khẩu trên đường ra pháp trường của Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân: “Hai bên thiên hạ thấy hay không? Một gánh cương thường há phải gong. Oằn oại đôi vai quân tử trúc. Nghênh ngang một cổ trượng phu tong”.