Chuyện ít người biết về ngôi đình cổ độc đáo ở Bình Dương

Đình thần Tương Bình Hiệp được bao phủ bởi nhiều cây cổ thụ quý
Đình thần Tương Bình Hiệp được bao phủ bởi nhiều cây cổ thụ quý
TPO - Ngôi đình cổ hàng trăm năm ở Bình Dương mang tên Tương Bình Hiệp được bao phủ bởi nhiều cây cổ thụ quý. Một số người dân địa phương biết, nhưng chưa bao giờ ghé qua bởi họ cho rằng, đình thờ vị quan “bán nước” dù nỗi oan của vị đại thần đã được hóa giải.

Ngôi đình tọa lạc tại phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chỉ có một người dân nhiều năm tự nguyện đến dọn dẹp và rất thưa người ra vào. Một phần vì lời đồn về vị thần đang thờ là quan “bán nước”.

Ông Lê Minh Trí, người quét dọn ngôi đình Tương Bình Hiệp, cho biết, đình ít người đến, thi thoảng có người thân đời thứ 8, 9 của cụ Phan Thanh Giản từ miền Tây đến thắp hương và một số người ở tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, quê hương của cụ Phan Thanh Giản đến thăm.

Chuyện ít người biết về ngôi đình cổ độc đáo ở Bình Dương ảnh 1 Bên ngoài nhà thờ đình Tương Bình Hiệp, xung quanh nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Đình thần Tương Bình Hiệp nằm trên một ngọn đồi thấp, được bao phủ bởi những cây cổ thụ. Chưa rõ chính xác đình được xây dựng từ năm nào nhưng người dân địa phương cho biết đình đã có hàng trăm năm nay.

Về kiến trức, đình được làm từ gỗ sao, mái ngói, các ngai thờ được sơn son thếp vàng. Trên mái và đỉnh của đình có trang trí hình Kỳ Lan và Lưỡng Long Tranh Châu được nạm sành nhiều màu.

Chuyện ít người biết về ngôi đình cổ độc đáo ở Bình Dương ảnh 2 Trên mái và đỉnh của đình có trang trí hình Kỳ Lan và Lưỡng Long Tranh Châu được nạm sành nhiều màu

Giữa đình có một tấm biển lớn sơn son thếp vàng có ghi chữ “Phan Tướng Công Linh Thần”, đây được xem là một trong số các ngôi đình ghi rõ tên danh vị thần được thờ trong đình. Vị thần hoàng của đình là “Phan Tướng Công” tức là Phan Thanh Giản, chính thức được sắc phong là Khải Định thứ IX (1924).

Điều đăc biệt là đây là ngôi đình duy nhất ở miền Đông Nam Bộ được thờ vị Tiến sĩ khai hoa đầu tiên của toàn xứ Nam Kỳ trong thời Nho học.

Chuyện ít người biết về ngôi đình cổ độc đáo ở Bình Dương ảnh 3 Bên trong ngôi đình Tương Bình Hiệp với kiến trúc rất độc đáo

Theo thông tin từ Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, cụ Phan Thanh Giản sinh năm 1796 ở làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm Bính Tuất (1826) ông đổ tiến sĩ, làm quan 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức với nhiều lần thăng giáng chức.

Chuyện ít người biết về ngôi đình cổ độc đáo ở Bình Dương ảnh 4 Di ảnh ông Phan Thanh Giản
Chuyện ít người biết về ngôi đình cổ độc đáo ở Bình Dương ảnh 5 Di ảnh và tượng thờ ông Phan Thanh Giản

Ông từng được cử đi sứ Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Pháp, Tây Ban Nha. Sau khi đi sứ qua Pháp thỉnh nghị chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ thất bại, ông được cử làm kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây kiêm Tổng đốc Vĩnh Long. Khi quân Pháp quyết tâm dùng vũ lược, lập mưu chiếm thành Vĩnh Long và 3 tỉnh miền Tây, Phan Thanh Giản đành chọn cái chết bằng cách nhịn ăn 17 ngày rồi uống thuốc độc tự tử vào năm 1867.

Ông nhận trách nhiệm mất thành, mất đất về mình và viết di sớ gửi về vua Tự Đức với nội dung: “Nghĩa tôi đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ”.

Lúc bấy giờ việc nước rối bời vua đổ hết trách nhiệm của ông bằng cách tước đoạt hết chức tước và bản án trảm hậu với mục đích giết người đã chết để làm gương cho người còn sống. Sau khi vua Tự Đức mất, đến năm 1886 ông Phan Thanh Giản mới được khôi phục chức hàm.

Chuyện ít người biết về ngôi đình cổ độc đáo ở Bình Dương ảnh 6 Đình trang trí hình Kỳ Lan và Lưỡng Long Tranh 

Đến năm 1924, Triều đình Huế đã sắc cho nhân dân xã Tương Bình Hiệp (nay là phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) được thờ ông Phan Thanh Giản làm thần Thành Hoàng với nội dung: “Nay sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một phải phụng thờ Tam giác Tiến sĩ, Hiệp tá Đại học sĩ. Sung cơ mật viện đại thần. Vì ông thường linh ứng nên nhân tiết tứ tuần đại khánh. Trẫm ban bửu chiếu phong cho ông vào bậc Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Trung Thần, chuẩn cho phụng thờ ông làm thần để giúp đỡ và che chở cho dân".

Chuyện ít người biết về ngôi đình cổ độc đáo ở Bình Dương ảnh 7 Hoa văn tinh xảo Kỳ Lân được gắn trên tường đình
MỚI - NÓNG