Bí ẩn những kim tự tháp khổng lồ bị che giấu ở Trung Quốc

“Tôi đã bay quanh một ngọn núi và sau đó chúng tôi đến một thung lũng. Ngay phía dưới là một kim tự tháp khổng lồ”.
Bức ảnh Kim tự tháp Tây An do Sheahan chụp, được công bố trên tờ New York Times năm 1947.

40 dặm về phía Tây Nam của thành phố cổ Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây - Trung Quốc, có một thung lũng rộng lớn và hoang vắng, được cắm biển đề “Khu vực cấm”. Ít ai biết đằng sau tấm biển han rỉ kia, lại ẩn chứa một trong những bí mật khảo cổ có thể gây chấn động giới học giả phương Tây.

Đại kim tự tháp Tây An, theo mô tả của những người ít ỏi từng được chiêm ngưỡng, chính là ngọn lớn nhất trong một quần thể bao gồm tới 16 kim tự tháp tồn tại trong thung lũng. Những người ngoại quốc rất ít có cơ hội để tiếp xúc với khu vực “nhạy cảm” này trước sự ngăn cấm của chính quyền.

Tuy nhiên, vẫn có một vài người phương Tây, sau khi nghe được thông tin về Đại kim tự tháp đã cố gắng tìm mọi cách để được chiêm ngưỡng công trình đầy bí ẩn này.


Niên đại của các Kim tự tháp Tây An hiện chưa được xác định do việc nghiên cứu cơ bản đều bị chính quyền ngăn cấm mà không rõ lý do. Theo một số nhà khảo cổ Trung Quốc thì chúng được xây dựng vào thời nhà Hạ (khoảng 2205 - 1767 TCN).

Một cuốn cổ thư hiện đang được bảo tồn trong tu viện gần biên giới với Mông Cổ, là tài liệu đầu tiên đề cập đến sự tồn tại của các Kim tự tháp ở Tây An.

Theo như các ghi chép này thì Đại kim tự tháp Tây An được mô tả có chiều cao đến 1.000 feet (304,8 mét), cao hơn gấp đôi so với Đại kim tự tháp của Ai Cập (450 feet), có nghĩa đó chính là Kim tự tháp cao nhất trên thế giới.

Trong thung lũng bao quanh Đại kim tự tháp, còn xuất hiện hàng chục kim tự tháp khác nhỏ hơn, tuy nhiên một số cũng có quy mô ở mức kinh ngạc.

Hình ảnh một kim tự tháp được chính quyền cho trồng cây “ngụy trang”, do nhóm của Hausdorf chụp trong chuyến đi năm 1994.
Những dấu vết còn sót lại của các sắc tố ban đầu cho thấy rằng Đại kim tự tháp được sơn với những màu sắc khác nhau trên mỗi mặt bên của nó: mặt phía Đông có màu xanh xám, phía Tây là màu trắng, trong khi mặt phía Bắc có màu Đen và phía Nam là màu đỏ.

Cần lưu ý rằng các di tích dạng kim tự tháp được tìm thấy tại những nền văn minh khác như Maya, Aztec và nhiều bộ lạc da đỏ Bắc Mỹ cũng có kết cấu tương tự, với bốn mặt bên được sơn bằng các màu sắc khác nhau.

Những người phương Tây đầu tiên nhìn thấy Đại kim tự tháp Tây An là hai thương nhân người Úc. Tuy nhiên câu chuyện của họ dường như không gây được nhiều sự chú ý trong giới học giả.

Sau đó vào năm 1912, Fred Meyer Schroeder - thương nhân người Mỹ, sau khi được nghe một nhà sư kể về Đại kim tự tháp và tòa tu viện nơi chứa những ghi chép liên quan, đã thuê chính nhà sư đó dẫn ông đi tìm kiếm.

Bức ảnh chụp 16 kim tự tháp ở Hàm Dương.
Và Schroeder có lẽ cũng chính là người phương Tây đầu tiên được tiếp cận với công trình bí ẩn đó. Khi xem xét các kim tự tháp, ông nhận thấy tất cả đều không có (hay đúng hơn là không tìm được) lối vào. Schroeder cũng cho biết các kim tự tháp được xây dựng từ những khối đá giống nhau, mỗi khối đều có hình vuông với cạnh chừng 3 foot (hơn 90cm).

Người phương Tây tiếp theo nhìn thấy Đại kim tự tháp là James Gaussman, một phi công Mỹ. Trong thế chiến II, Gaussman lái một chiếc máy bay vận tải C-47 với nhiệm vụ là chuyển đồ tiếp tế từ một căn cứ quân sự của Mỹ ở Ấn Độ.

Một hôm khi đang bay về căn cứ, máy bay của ông đột nhiên gặp vấn đề với động cơ do hiện tượng đóng băng. Gaussman buộc phải hạ thấp độ cao với hi vọng nhiệt độ ấm hơn có thể giải phóng các ống dẫn nhiên liệu đang đông cứng.

Viên phi công rất lo sợ rằng máy bay có thể sẽ rơi tại một khu vực hoàn toàn hoang vắng giữa vùng biên giới của Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc, bên sườn dãy núi Himalaya. Nếu điều đó xảy ra thì ngay cả khi có thể sống sót sau vụ tai nạn, cơ hội để người ta tìm thấy và giải cứu ông cũng sẽ gần như không có.

May mắn cho Gaussman là động cơ máy bay đã phục hồi trở lại. Và trong khi đang bay là là dọc theo sườn núi, ông đột nhiên nhìn thấy một thung lũng bằng phẳng trải rộng trước mắt mình. Rồi những kim tự tháp, có vẻ như còn lớn hơn so với kim tự tháp Ai Cập, lần lượt hiện ra.

Ảnh vệ tinh chụp các kim tự tháp Tây An thời gian gần đây.
Gaussman gần như bị choáng ngợp vì khung cảnh tuyệt vời trước mắt. Ông mạo hiểm bay vòng lại, lượn quanh các kim tự tháp để được nhìn rõ hơn rồi mới vội vã trở về căn cứ.

“Tôi đã bay quanh một ngọn núi và sau đó chúng tôi đến một thung lũng. Ngay phía dưới là một kim tự tháp khổng lồ màu trắng. Khung cảnh giống như cổ tích vậy. Kim tự tháp được bao bọc trong một màu trắng lung linh, có vẻ là kim loại hoặc một thứ đá đặc biệt nào đó. Cả bốn mặt đều màu trắng. Kỳ lạ nhất là phần đỉnh tháp, một cái chóp lớn dường như được làm từ đá quý. Tôi vô cùng xúc động bởi kích thước khổng lồ của cấu trúc này”, Gaussman kể lại.

Hai năm sau, một phi công người Mỹ khác tên là Sheahan cũng có dịp bay qua khu vực kim tự tháp, theo lời hướng dẫn của Gaussman. Lần này do đã chuẩn bị trước nên Sheahan còn chụp được một số bức ảnh mà sau đó được đăng trên Thời báo New York vào ngày 28/3/1947.

Trong báo cáo của mình, Sheahan viết về các kim tự tháp: “Không có gì xung quanh nó, chỉ là một tòa kim tự tháp to lớn ngồi ngoài đồng vắng. Tôi hình dung được sự cổ xưa của nó. Ai xây nên? Tại sao lại xây nó? Có gì ở bên trong?”.

Giới khảo cổ Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các Kim tự tháp Tây An, bất kể những bức ảnh mà Sheahan công bố. Một số thì thừa nhận sự tồn tại của những công trình này nhưng lại khẳng định đó không phải “kim tự tháp” mà chỉ là “những ngôi mộ hình thang”.

Tuy nhiên người phương Tây cũng chẳng còn có cơ hội để tiếp cận với khu vực bí ẩn này thêm nữa.

Mãi đến tận 50 năm sau đó, câu chuyện về các Kim tự tháp Trung Quốc mới được lật lại, lần này là bởi một nhà nghiên cứu và thám hiểm người Đức tên là Hartwig Hausdorf. Sau khi tìm hiểu thông tin, Hausdorf đã quyết định đi du lịch đến Trung Quốc với hi vọng có thể tìm hiểu thêm về những cấu trúc cổ xưa bí ẩn này.

Quyết tâm tìm ra sự thật, Hausdorf đã tận dụng mọi mối quan hệ của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ. Được sự giúp đỡ của Chen Jianli, một người bạn bản xứ, Hausdorf đã xin được giấy phép từ Bắc Kinh để thâm nhập vào khu vực cấm gần Tây An ba lần, vào tháng 3 và tháng 10 năm 1994, và vào mùa hè năm 1997.

Ông nhanh chóng nhận thấy sự e ngại của các học giả cũng như giới chức Trung Quốc khi đề cập đến “các kim tự tháp” của họ. Sau khi nhìn vào các bức ảnh của Sheahan, các nhà khảo cổ Trung Quốc miễn cưỡng xác nhận sự tồn tại của chúng bằng cách đề cập đến như là “chỉ một vài cấu trúc hình kim tự tháp gần Tây An”.

Khi Hausdorf và bạn đồng hành là Peter Krassa tìm đến Hàm Dương, tòa thành cổ cách Tây An chừng 40 dặm, họ nhìn thấy ít nhất 16 kim tự tháp ở khu vực này. Hai nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những loại cây trồng nhỏ trên khắp các mặt của kim tự tháp.

Người dân cho biết rằng chính quyền đã trồng một loại cây lá kim phát triển nhanh trên các tòa tháp trong vòng bốn, năm năm qua. Dường như họ đang cố che dấu các kiến trúc này bằng cách khiến cho chúng lẫn vào với môi trường tự nhiên xung quanh đó.

Cách thức xây dựng các kim tự tháp này có nhiều nét tương đồng với các kim tự tháp của Teotiahucan (Mexico) với cấu trúc xếp chồng và những bậc cấp trát đất sét ở các bên. Phần đỉnh tháp được làm thành mặt phẳng, giống như các công trình hình chữ nhật thường thấy của người Maya.

Tuy nhiên Hausdorf lại không tìm thấy Kim tự tháp Trắng nổi tiếng. Mặc dù vậy ông cũng đã thu thập được rất nhiều điều về các kim tự tháp của Trung Quốc. 

Khi Hausdorf tìm gặp Giáo sư người Tây An Wang Shiping, một trong số ít nhà nghiên cứu bản xứ tỏ ra “cởi mở”, ông này đã nói với họ rằng ông tin các kim tự tháp có thể là “một phần của một hệ thống khổng lồ những đường dẫn linh thiêng mang ý nghĩa phong thủy”, như là “những con đường của rồng”.

Giáo sư Wang cho biết ông ước tính niên đại của những kim tự tháp vào khoảng 4.500 năm. Ông cho rằng chúng có thể được sắp xếp để phản ánh hình dạng của một chòm sao nào đó trên bầu trời, cũng giống như các kim tự tháp ở Ai Cập được cho là mô phỏng chòm sao Orion (Thợ Săn) và những ngôi sao có liên quan đến chúng.

Giáo sư Wang cũng khẳng định, các kim tự tháp ở Tây An đã chứng tỏ rằng người Trung Quốc đã sở hữu một lượng kiến thức rất rộng lớn về hình học, toán học và nhiều bộ môn khoa học khác, từ gần năm ngàn năm trước.

Năm 1994, các nhà khảo cổ phát hiện thêm nhiều kim tự tháp khác ở gần sông Vị, phía Bắc của Tây An. Hausdorf ước tính có thể tồn tại khoảng 90-100 kim tự tháp ở Trung Quốc, bao gồm cả Kim tự tháp Trắng huyền thoại. Tất cả hầu như đều chưa được biết đến ở phương Tây.

Câu hỏi đặt ra là ai đã xây dựng nên những công trình vĩ đại, kì bí và mang nhiều nét tương đồng với các nền văn minh cổ đại khác trên thế giới này? Và một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng, là tại sao giới chức Trung Quốc lại cố gắng che dấu những kì quan này, dù chúng có thể đưa lại cho họ rất nhiều niềm ngưỡng mộ?

Theo Theo VTC News