Bí ẩn con tàu cổ thứ 11 tại Quảng Ngãi

Ngày 26/7/2017, trong khi tiến hành nạo vét và xây dựng cảng Hào Hưng, các đơn vị thi công đã phát hiện nhiều mảnh sành gốm sứ, cùng với đó là những dấu hiệu cho thấy, có thể bên dưới lớp bùn đất là một chiếc tàu buôn đã yên giấc vài thế kỷ. Việc thi công lập tức được dừng lạị. Đối với các nhà nghiên cứu, đây là câu chuyện hết sức vui mừng.
Eo biển nơi đang trục vớt tàu cổ tại Dung Quất.

Trước đó, năm 2013, Quảng Ngãi khai quật tàu cổ 700 năm tuổi ở Bình Châu. Con tàu này được lấp cát trở lại và ngủ yên giấc. Bốn năm sau, tàu cổ niên đại thế kỷ XV tiếp tục được phát hiện tại Dung Quất, cách Bình Châu hơn 60 km về phía bắc. Con tàu này được “đánh thức” bằng lễ khai quật vào ngày 9.7. Giáo sư Mark Starnifoth thuộc Đại học Monash của Australia, chuyên gia hàng đầu về khảo cổ dưới nước từng nhận định vùng biển này còn rất nhiều tàu cổ.

Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, việc phát hiện này cho thấy mật độ tàu bè đi lại ở vùng duyên hải Việt Nam và đặc biệt là miền Trung. Đây là một tuyến đường giao thông đi từ Đông Thái Bình Dương sang Nam Thái Bình Dương. Điều này càng thể hiện rõ vị trí địa lý quan trọng của Việt Nam.

Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi liên tục “kêu”, nhưng phải chấp nhận thiệt hại, dừng thi công để phục vụ cho công tác nghiên cứu và khai quật theo Luật Di sản văn hóa. Vì Việt Nam là quốc gia đã tham gia vào Công ước Di sản thế giới. Con tàu cổ dưới nước là di sản quý và khó có thể ước lượng được bằng tiền. Trong lịch sử của ngành khảo cổ học thế giới và Việt Nam, những “xung đột” phát sinh giữa việc bảo tồn và phát triển là điều không thể tránh khỏi. Ai Cập từng xây dựng đập Aswan khiến ngôi đền Abu Simbel và Philae bị đe dọa. UNESCO đã vận động 50 quốc gia đóng góp 50 triệu USD để di dời 2 ngôi đền này, trước khi đập tháo nước.

Nếu nhìn toàn cảnh, khu vực con tàu cổ Dung Quất nằm trong một eo biển có chiều dài khoảng 12 km, bắt đầu từ mũi Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến khu vực xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Rốn của eo biển này là con sông Trà Bồng mở ra cửa biển Sa Cần, nơi tàu thuyền có thể neo đậu tránh trú bão hoặc tiếp thêm lương thực, nước ngọt, giao thương hàng hóa, sau chặng đường hải trình trên biển. Địa hình khu vực con tàu này bị chìm có nhiều điểm tương đồng với chiếc tàu cổ Bình Châu được phát hiện vào năm 2013. Đây là khu vực từng có tên gọi là Vũng Tàu, có eo biển rộng, rốn của eo biển là một con sông lớn thông qua khu vực cảng Sa Kỳ và hiện nay đã bị bồi lấp.

Để tiến hành khai quật con tàu cổ ở Dung Quất, các nhà khảo cổ đã khoanh vùng diện tích khai quật là 800m2. Việc khai quật sẽ gặp khó khăn, nếu mùa mưa bão đến sớm. Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Đến giờ này thì cũng chưa thể đánh giá hết được mức độ giá trị của những cổ vật bên dưới con tàu này. Nhưng quyết tâm lần này là không phải trục vớt, mà khai quật và đưa toàn bộ con tàu này lên cạn. Quy trình thực hiện được tiến hành theo đúng chuẩn của khảo cổ học quốc tế, đó là khảo sát, thăm dò, nắm quy mô, đánh giá khó khăn, thuận lợi như thế nào, định vị, đánh giá trữ lượng từng ô…”.

Từ năm 1999 đến nay, đã phát hiện 11 tàu cổ bị đắm trên vùng biển huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn. Các tàu cổ có niên đại từ thế kỷ VIII - XVIII. Trong số đó có nhiều tàu ngư dân đã lặn vớt theo kiểu tự phát, nên những chiếc tàu cổ không còn giữ được nguyên trạng ban đầu. Việc phát hiện con tàu cổ thứ 11 tại vùng biển Quảng Ngãi sẽ thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ không chỉ trong nước mà ở nhiều nước khác.

Giáo sư Mark Staniforth cùng đoàn khảo sát đi huyện đảo Lý Sơn.

Một cuộc Hội thảo khoa học “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á, hợp tác để phát triển” đã được tổ chức tại Quảng Ngãi khoảng 4 năm trước. Hội thảo thu hút 48 nhà khoa học từ nhiều nước đến dự. Các nhà khảo cổ đã chia sẻ cách thức quản lý và bảo tồn các tàu cổ để hạn chế hư hỏng; đồng thời các nhà khảo cổ cũng lần giở lại lý lịch của nhiều con tàu cổ từng chìm ở dọc vùng biển miền Trung, từ Đà Nẵng trở vào.

Giáo sư Mark Staniforth, thuộc Đại học Monash của Australia đã phát biểu nhấn mạnh: “Số lượng di tích tàu cổ đắm và di sản dưới nước ở vùng biển Việt Nam rất nhiều. Tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất lớn; các cảng và thương cảng cũng có niên đại ít nhất 2.000 năm trước Công nguyên. Nghiên cứu sẽ giúp tăng cường nhận thức về quá khứ, cung cấp tư liệu, chứng cứ khảo cổ học cho việc giải thích, trưng bày và du lịch văn hóa”.

Từ năm 1999 đến nay, đã phát hiện 11 tàu cổ bị đắm trên vùng biển huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn. Các tàu cổ có niên đại từ thế kỷ VIII - XVIII. Trong số đó có nhiều tàu ngư dân đã lặn vớt theo kiểu tự phát, nên những chiếc tàu cổ không còn giữ được nguyên trạng ban đầu. Việc phát hiện con tàu cổ thứ 11 tại vùng biển Quảng Ngãi sẽ thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ không chỉ trong nước mà ở nhiều nước khác. (Theo báo cáo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Theo Theo Báo Văn hoá