Bệnh viêm khớp dạng thấp ‘phá hủy’ cơ thể bạn ra sao?

TPO - Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là thời gian trời trở lạnh, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp lại khốn khổ vì đau, mất ngủ, đi lại khó khăn. Bệnh có xu hướng tái đi tái lại, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm như ở ta.

Không nên tự chẩn bệnh

Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là viêm đa khớp dạng cấp là một bệnh lý mạn tính gây sưng, đau, và cứng các khớp. Nguyên nhân của bệnh cho tới nay vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Nhưng cơ chế bệnh sinh được giải thích theo con đường miễn dịch (khả năng phòng vệ của cơ thể trước các loại vi khuẩn) tấn công vào các khớp.

Bệnh gây viêm (đỏ, sưng) dẫn đến đau, xơ cứng và sưng khớp, phần lớn là khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối. Viêm khớp dạng thấp không chỉ phá hủy làm tổn thương đến hệ khớp mà có thể làm tổn thương đến cả hệ thống cơ thể bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu.

Cứ 100 người trưởng thành thì có 1 đến 5 người bị viêm khớp dạng thấp. Bệnh thường phổ biến ở những người có độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Trong số đó, bệnh nhân nữ, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nhiều gấp 2-3 lần bệnh nhân nam.

Bệnh nhân nữ mắc viêm khớp dạng thấp nhiều gấp 2-3 lần bệnh nhân nam.

Bởi vì bệnh này khá phổ biến nên rất nhiều người chỉ ‘nghe nói’ đã tự khẳng định mình bị viêm khớp dạng thấp và tự mua thuốc điều trị, trong khi sự thực là họ có thể mắc những bệnh khác. Các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân không nên tự chẩn bệnh, bởi vì kết luận sai lầm sẽ dẫn đến điều trị sai lầm, bệnh chính không khỏi, cơ thể lại yếu hơn vì tác dụng phụ của thuốc.

Không giống như tổn thương hao mòn của viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau cuối cùng có thể dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày như viết, mở chai lọ, mặc quần áo và mang vác đồ vật. Viêm khớp mắt cá, khớp gối hoặc khớp bàn chân có thể gây khó khăn khi đi đứng và cúi người.

Viêm khớp dạng thấp tiến triển có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe

Mặc dù bệnh hay khởi phát từ ngón tay và ngón chân, viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng tới bất cứ khớp nào. Đôi khi bệnh tiến triển nhanh, nặng gây phá hủy khớp vĩnh viễn. Thêm vào đó, viêm khớp dạng thấp có thể gây tổn thương ở các cơ quan khác ngoài khớp như tim, phổi và mắt.

Nếu phát hiện viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân nên quyết định điều trị sớm. Đừng đợi cho tới khi triệu chứng trở nên xấu đi. Điều trị sớm có thể hạn chế tổn thương phá hủy khớp và các triệu chứng toàn thân khác.

Bệnh nhân có thể làm những gì để cảm thấy khá hơn?

Hiện nay chưa có biện pháp nào có thể phòng viêm khớp dạng thấp. Nếu gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp thì những người còn lại nên kiểm tra sức khỏe định kì để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Để hỗ trợ điều trị, người có bệnh hãy cố gắng hoạt động mỗi ngày. Có thể do đau mà nhiều người không muốn vận động và di chuyển. Nhưng điều này chỉ làm cho mọi thứ trở nên xấu đi. Không hoạt động khiến các cơ trở nên yếu đi, khớp trở nên cứng hơn.

Nếu không tự tin chọn phương pháp vận động, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Bác sỹ vật lý trị liệu sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để tư vấn các bài tập tốt nhất và phù hợp nhất. Họ cũng sẽ hướng dẫn cách để thực hiện những bài tập này.

Bệnh nhân cũng nên có một chế độ ăn hợp lý. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng tới tim mạch, chính vì vậy nên tránh các loại thực phẩm giàu chất béo. Thay vào đó nên ăn nhiều các loại trái cây và rau củ.

Nếu muốn mang thai trong giai đoạn điều trị bệnh thì bắt buộc phải tham khảo ý kiến của bác sỹ. Một vài thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp không an toàn cho thai nhi, một số người cũng có thể phải đổi thuốc trước khi mang thai. Tuy vậy triệu chứng của bệnh hay được cải thiện trong giai đoạn mang thai. Sau khi bệnh nhân sinh con, triệu chứng có thể nặng trở lại.