Các nghiên cứu trước về mối liên quan giữa bạo lực gia đình và rối loạn sức khỏe tâm thần chủ yếu tập trung vào trầm cảm, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét phạm vi rộng rối loạn sức khỏe tâm thần ở cả nam và nữ.
Các tác giả thuộc Trường đại học Hoàng gia London và Đại học Bristol đã xem xét dữ liệu của 41 nghiên cứu trên toàn thế giới. Trong nghiên cứu này, cả nam và nữ có rối loạn sức khỏe tâm thần đều tăng nguy cơ bị bạo lực gia đình. Có hai điều xảy ra: bạo lực gia đình thường khiến nạn nhân mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần, người có rối loạn sức khỏe tâm thần dễ bị bạo lực gia đình.
So với những phụ nữ không bị rối loạn sức khỏe tâm thần, phụ nữ trầm cảm dễ bị bạo lực gia đình khi trưởng thành hơn khoảng 2,5 lần (tỷ lệ mắc ước tính 45,8%); phụ nữ lo âu dễ bị hơn 3,5 lần (tỷ lệ mắc ước tính 27,6%); và phụ nữ căng thẳng sau chấn thương dễ bị hơn khoảng 7 lần (tỷ lệ mắc ước tính 61%).
Phụ nữ có các rối loạn khác như rối loạn ám ảnh cưỡng bức, tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực cũng tăng nguy cơ bị bạo lực gia đình so với phụ nữ không có rối loạn sức khỏe tâm thần.
Nam giới có rối loạn sức khỏe tâm thần cũng tăng nguy cơ bị bạo lực gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ ước tính ở nam thấp hơn so với tỷ lệ ở nữ, điều này cho thấy hiếm khi nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình nghiêm trọng tái diễn.
Tỷ lệ bạo lực thể chất và/hoặc bạo lực tình dục ở phụ nữ là 15-71%. Tại Anh, một khảo sát cho thấy 27% phụ nữ và 17% nam giới đã lạm dụng bạn tình; phụ nữ bị bạo lực tái diễn và nghiêm trọng hơn so với nam giới.
T. Mai
Theo Futurity