Trong 3 tháng đó, ông sụt ký dần, thời gian đầu còn ăn được cơm với món cá thu, về sau chỉ ăn được một ít cháo loãng mỗi bữa ăn. Ông không dám ăn thịt và đặc biệt là không dám uống sữa vì nghe hàng xóm bảo rằng bệnh của ông phải kiêng uống sữa, nếu uống sữa sẽ làm ung thư lan nhanh, diễn tiến nặng hơn. Ông đã sụt khoảng 5 kg trong 3 tháng, đi lại yếu dần.
Trường hợp của bệnh nhân vừa nêu không phải hiếm trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi bệnh ung thư ngày càng có khuynh hướng gia tăng, người bệnh đến bệnh viện khi bệnh đã quá nặng hoặc giai đoạn cuối. Đó là chưa kể, “có bệnh thì vái tứ phương”, người bệnh và người nhà của họ tìm đủ mọi cách để chạy chữa, trong đó có vấn đề ăn uống.
Ông bà ta có câu “Ăn được ngủ được là tiên”, người bệnh ung thư vốn đã lo lắng, mệt mỏi về căn bệnh, lại thêm tình trạng chán ăn, thay đổi vị giác, đau bụng, khó nuốt, nôn ói, kém hấp thu, nên “mất ăn mất ngủ” là có thật. Ấy vậy mà người bệnh và người nhà của họ lại thường tìm đến mạng xã hội, thông tin từ bạn bè, hàng xóm mách bảo hơn là tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế để tiếp cận với những thông tin y khoa chính thống và khoa học. Đó là một trong những lý do dẫn đến cái kết đáng buồn là suy dinh dưỡng nặng như trường hợp ông cụ kể trên.
Một nghiên cứu cộng đồng ở vùng nông thôn Tamil Nadu về những tin đồn, niềm tin và thái độ đối với bệnh ung thư của những người chăm sóc bệnh nhân trong gia đình cho thấy những niềm tin văn hóa, xã hội không khoa học đối với tình trạng bệnh làm giảm hiệu quả điều trị bệnh. Để ngăn chặn việc kém tuân thủ điều trị ung thư do thiếu kiến thức đúng đắn và thông tin không chính xác, cần tìm ra tất cả những lầm tưởng và niềm tin sai lầm đang tồn tại trong xã hội. Trong một khảo sát định lượng, có 54% người tham gia cho rằng phẫu thuật hoặc sinh thiết có thể lây lan bệnh ung thư. Có 48% người tham gia khảo sát định lượng cho rằng họ ưa chuộng dùng thảo dược để điều trị. Những kết quả tương tự cũng được ghi nhận từ một nghiên cứu cộng đồng được thực hiện ở Chennai, Ấn Độ. Một nghiên cứu khác được thực hiện năm 2018 ở Nam Phi cho thấy những tin đồn về điều trị ung thư có thể gây hại vì có thể dẫn đến việc trì hoãn bắt đầu điều trị cũng như diễn tiến bệnh đến giai đoạn nặng hơn.
Bệnh nhân ung thư thường gặp phải tình trạng không ăn đủ lượng thức ăn trong một ngày, cần được hỗ trợ dinh dưỡng như một khâu thiết yếu trong việc chăm sóc, để cải thiện lượng thức ăn, cân nặng và chất lượng cuộc sống. Theo Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng và chuyển hóa châu Âu ESPEN và Hiệp hội Ung thư Y tế Châu Âu ESMO, bệnh nhân ung thư cần được hỗ trợ dinh dưỡng thông qua việc được tư vấn về chế độ ăn uống, sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, giàu lượng đạm và bổ sung dinh dưỡng đường miệng (ONS- Oral nutritional supplement). Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đường miệng là một hỗn hợp cân bằng các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng dưới dạng thức ăn lỏng như sữa dạng bột hoặc pha sẵn, pudding. Do đó, nếu bổ sung dinh dưỡng đường miệng bằng các sản phẩm sữa chuyên biệt dành cho bệnh lý ung thư, đặc biệt có bổ sung omega-3 sẽ hỗ trợ chống viêm ở bệnh nhân ung thư.
Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng, vì vậy đừng loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn của bạn. Sữa ít béo hoặc tách béo vẫn chứa nhiều chất dinh dưỡng mà không làm bạn dư quá nhiều calo. Theo trang Cancer Research UK, tiêu thụ sữa và các chế phẩm từ sữa có thể giảm nguy cơ ung thư đường ruột nhưng chưa có bằng chứng trong việc tăng hoặc giảm nguy cơ các bệnh ung thư khác. Sữa chứa lượng đạm và vitamin cần thiết cho sức khỏe của bạn. Hàm lượng canxi trong sữa giúp tăng cường sức khỏe xương ở bệnh nhân ung thư. Các chế phẩm khác thay thế sữa có nguồn gốc từ đậu nành cũng chứa chất dinh dưỡng như đạm và các loại vitamin. Ngoài ra, sữa chua, phô mai… là một số loại chế phẩm từ sữa mà bệnh nhân ung thư có thể lựa chọn làm những bữa phụ thay thế trong ngày. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tiết chế của Vương quốc Anh, tăng năng lượng cho bữa ăn bệnh nhân ung thư với tổng là 3 đơn vị chuyển đổi nhóm sữa trong một ngày, ví dụ 1 ly sữa tách béo 1%, 1 hộp sữa chua và 1 miếng phô mai.
Theo báo cáo của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF), sữa và các chế phẩm từ sữa có thể bảo vệ ung thư đại tràng, bàng quang, dạ dày và vú. Sữa dường như không có mối liên quan về nguy cơ đối với ung thư tụy, buồng trứng và phổi trong khi bằng chứng đối với ung thư tuyến tiền liệt là chưa nhất quán. Ở nữ, sữa có thể đem lại lợi ích giảm nguy cơ và mức độ nặng của ung thư đại tràng và kể cả ung thư vú. Ở nam, sữa có thể bảo vệ nguy cơ về ung thư đại tràng.
Tuy nhiên, cần lưu ý một số bệnh nhân cần tránh sữa và các chế phẩm từ sữa do tình trạng không dung nạp được đường sữa. Khi đó, chúng ta có thể chọn một số loại sữa không chứa đường lactose để sử dụng. Điều quan trọng nữa là khi nói đến nguy cơ ung thư, việc đánh giá một bữa ăn hoàn chỉnh cân đối sẽ tốt hơn là tập trung vào một nhóm chất dinh dưỡng riêng biệt. Bệnh nhân ung thư cần một chế độ ăn cân bằng, đa dạng các chất dinh dưỡng và các nhóm thực phẩm để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và lượng đạm, trong đó không thể không kể đến sữa và các chế phẩm từ sữa. Bổ sung sữa cho bệnh nhân ung thư không những cải thiện cân nặng, là giải pháp cho những bữa ăn phụ, tăng cảm giác thèm ăn mà còn giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn. Bệnh nhân đủ dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng cũng sẽ mang lại hiệu quả điều trị trong hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật.
Bệnh nhân ung thư cần một chế độ ăn cân bằng, đa dạng các chất dinh dưỡng và các nhóm thực phẩm để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và lượng đạm, trong đó không thể không kể đến sữa và các chế phẩm từ sữa.