Chuyển đổi thẻ BHYT từ tỉnh về quận, huyện:
Bệnh nặng vẫn được chuyển tuyến trên
>Giám sát độc lập để chống lạm dụng xét nghiệm
Bà Huyền cho biết, việc chuyển đổi thẻ BHYT từ tỉnh về quận, huyện ở TPHCM là vấn đề không mới. Thực ra, việc này thành phố đã triển khai từ năm 2009.
Nhưng thực tế có khoảng nửa triệu người dân đăng ký khám chữa bệnh (KCB) BHYT ở tuyến tỉnh sẽ phải chuyển về tuyến y tế cơ sở?
Thực ra, việc chuyển từ tuyến tỉnh về tuyến y tế cơ sở chúng tôi đang làm theo lộ trình 5 năm, bắt đầu từ năm 2010. Như vậy, vẫn còn ba năm trong lộ trình. Theo lộ trình đó, chúng tôi đã và đang thực hiện chuyển dần về tuyến cơ sở. Với đối tượng đăng ký ở bệnh viện tuyến tỉnh muốn về quận huyện sẽ được tạo mọi điều kiện để chuyển ngay; với đối tượng BHYT tự nguyện, nếu đã mua và đăng ký ở bệnh viện tuyến tỉnh từ đầu năm thì tiếp tục giữ nguyên cho đến khi hết hạn thẻ. Trường hợp mua thẻ mới hoặc gia hạn thẻ, bắt buộc phải đăng ký ở tuyến cơ sở.
Thực ra, tại TPHCM hiện nay, bệnh viện tuyến quận, huyện cũng đang trong tình trạng quá tải. Người dân phải xếp hàng từ 4-5 giờ sáng mới khám được. Do đó, muốn chuyển đổi một cách triệt để cũng phải tính đến phương án chuyển tuyến hợp lý, giải pháp đưa ra phải đồng bộ.
Nhưng thưa bà, tại sao ở miền Bắc và các tỉnh, thành phố khác, việc triển khai đăng ký KCB ở tuyến cơ sở thực hiện bình thường trong khi ở TPHCM lại vướng mắc?
Như tôi đã nói, việc thực hiện vẫn còn ba năm trong lộ trình 5 năm. Còn năm 2012, nhận thấy rằng việc triển khai ở một số cơ sở còn khó khăn, Sở Y tế TPHCM có đề nghị với BHXH Việt Nam là tạm thời xin hoãn. Tuy nhiên, văn bản của BHXH Việt Nam đề nghị chuyển ít nhất 50% đối tượng BHYT bắt buộc đang đăng ký ở bệnh viện tuyến tỉnh về cơ sở trong năm 2012 là chung cho cả nước chứ không phải chỉ riêng TPHCM.
Việc thực hiện phải theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, khi triển khai phía BHXH có họp bàn với Sở Y tế không để tránh gây ảnh hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT, nhất là người tham gia BHYT tự nguyện?
Để triển khai, BHXH đã họp bàn với Sở Y tế và đã thống nhất thực hiện theo lộ trình 5 năm. Phía Sở Y tế có ý kiến là bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố vẫn còn trống trong khi việc đăng ký KCB ở tuyến quận, huyện đang quá tải. Tuy nhiên, dù sao cũng phải làm theo quy định của pháp luật. Thực ra chỉ có một vài ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi sẽ gặp khó khăn chứ không phải là số đông người dân nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT.
Nhưng thực tế khi chuyển xuống tuyến dưới, người dân sẽ rất lo lắng vì sợ không đáp ứng nhu cầu KCB?
Thực ra không có khó khăn gì. Người dân quen khám ở tuyến tỉnh rồi nên giờ về tuyến quận, huyện người ta lo lắng và hơi sợ. Nhưng thực chất, nhiều người không hiểu được rằng nếu bệnh lý ngoài khả năng của tuyến dưới, không phải anh đã đăng ký ở đó thì sẽ bị nằm lại ở đó mà vẫn sẽ được chuyển lên tuyến trên để điều trị. Việc đăng ký ban đầu là để tránh cho người tham gia BHYT mất thời gian cũng như tốn kém tiền bạc.
Bà có thể cho biết, TPHCM đã triển khai những biện pháp gì để phát triển cơ sở vật chất hạ tầng cũng như nâng cao trình độ đội ngũ y bác sỹ ở tuyến dưới để đáp ứng nhu cầu KCB BHYT của người dân?
Hiện, Sở Y tế đang làm một đề án để hỗ trợ cho tuyến dưới. Một số bệnh viện đầu ngành ở thành phố sẽ đưa các bác sỹ xuống cơ sở KCB tuyến dưới để thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật. Từ đó, có kế hoạch nâng cao trình độ đội ngũ y bác sỹ của các cơ sở y tế tuyến dưới. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đang đầu tư cho các xã nông thôn mới để y tế xã có đủ điều kiện và đáp ứng được việc đăng ký KCB BHYT ban đầu của người dân.
Còn về việc bệnh viện tuyến tỉnh lo mất nguồn thu, BHXH tới đây sẽ họp bàn với Sở Y tế để xây dựng một quy chế chuyển viện. Còn quy chế đó như thế nào, hiện tôi chưa thể nói được. Tuy nhiên, quy chế đó sẽ theo hướng giúp cho việc chuyển tuyến sẽ tốt hơn so với hiện nay.
Cảm ơn bà.
Cả nước triển khai từ năm 2009
Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định tại Thông tư số 10 của Bộ Y tế, việc đăng ký KCB ban đầu đối với người tham gia BHYT là tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện và tương đương. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 và ngay trong năm 2010 đã bắt đầu triển khai toàn diện trong cả nước.