Bệnh do... thuốc
> Cứu sống bệnh nhi 2 lần sốc phản vệ
> Hot girl 18 tuổi đột quỵ vì thuốc tránh thai
Thuốc để chữa bệnh, tuy nhiên ngoài tác dụng chính, thuốc còn có tác dụng phụ gây ra những khó chịu cho người sử dụng. Thuốc cũng có thể gây ra phản ứng nguy hiểm, đặc biệt là khi sử dụng chúng không đúng mục đích, sai liều chỉ định...
Đau đầu do thuốc tránh thai
Viên tránh thai phối hợp estrogen-progestin đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới do thuốc tương đối rẻ tiền, dễ sử dụng, hiệu quả tránh thai cao và có nhiều tác dụng quan trọng khác ngoài mục đích tránh thai.
Tuy nhiên, khá nhiều tác dụng phụ liên quan đến việc dùng loại thuốc này đã được ghi nhận trong thực tế như đau đầu, buồn nôn, nôn, căng ngực, tăng cân, trầm cảm, giảm hưng phấn, tăng nguy cơ huyết khối, đột quị...
Trong đó, đau đầu là biểu hiện thường gặp nhất và là lý do chủ yếu dẫn đến ngưng sử dụng thuốc. Mặc dù tác động của loại thuốc này đối với tình trạng đau đầu là rất dễ nhận thấy nhưng chỉ số nguy cơ thực sự rất khó được xác định chính xác, do tình trạng đau đầu xảy ra phổ biến ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng chính sử dụng thuốc tránh thai.
Tuy nhiên trong một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ đau đầu do thuốc tránh thai thường giảm dần khi thuốc được sử dụng kéo dài nhiều tháng và hết nhanh sau khi ngừng thuốc.
Nguy cơ đau đầu và nhất là đột quỵ do tắc mạch não liên quan đến thuốc tránh thai tăng cao ở những phụ nữ mà bản thân hoặc trong gia đình có những người mắc các bệnh đau đầu từ trước, đặc biệt là chứng đau nửa đầu (đau đầu migraine), do đó, những người này được khuyên nên tránh sử dụng viên tránh thai phối hợp và thay thế bằng các hình thức tránh thai khác không gây đau đầu như đặt vòng tránh thai...
Với những phụ nữ không có bệnh đau đầu từ trước, nguy cơ gây đau đầu của viên tránh thai thấp hơn rõ rệt so với lợi ích mà thuốc đem lại. Nguy cơ đau đầu do thuốc tránh thai phối hợp tăng lên theo tuổi và cao nhất ở những phụ nữ trong độ tuổi 35 - 40.
Hồng ban nhiễm sắc cố định
Hồng ban nhiễm sắc cố định là một trong những dạng phản ứng ngoài da có thể gặp do thuốc. Đặc trưng của tổn thương là xảy ra nhiều lần ở cùng một vị trí khi tiếp xúc lại với cùng một tác nhân gây bệnh.
Tổn thương thường gặp nhất là những đám ban đỏ sẫm màu, hình tròn hoặc vòng cung, bờ rõ, sờ hơi gợn trên mặt da, có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên da và niêm mạc nhưng thường gặp nhất là ở môi, quanh mắt, bộ phận sinh dục và bàn tay, bàn chân. Ở lần mắc đầu tiên, ban đỏ thường xuất hiện sau uống thuốc 1 - 2 tuần.
Ở những lần sau đó, tổn thương da thường xuất hiện sau uống thuốc từ vài giờ đến vài ngày ở cùng một vị trí với lần xuất hiện đầu. Vùng da bị tổn thương thường có cảm giác rát bỏng, ngứa nhẹ hoặc tê bì, có thể xuất hiện một hoặc nhiều đám ban đỏ và có mụn nước hoặc bọng nước ở giữa. Tổn thương da có thể đi kèm với một số triệu chứng toàn thể như sốt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn.
Hầu hết các loại thuốc (kể cả loại bán cần đơn và không cần đơn) đều có thể gây hồng ban nhiễm sắc cố định, thường gặp nhất là các kháng sinh nhóm sulfamide, tetracycline, metronidazole, allopurinol, dapsone, pseudoephedrine, các thuốc chống viêm giảm đau, thuốc tránh thai hoặc thuốc ngủ nhóm barbiturate.
Sinh thiết da có thể giúp chẩn đoán hồng ban nhiễm sắc cố định. Về mô học, thường thấy tình trạng viêm với sự xâm nhập hỗn hợp của cả các tế bào lympho, bạch cầu trung tính và bạch cầu ái toan ở vùng nối giữa thượng bì và trung bì, thoái triển dạng phù nề các tế bào biểu mô màng đáy kèm theo hoại tử các tế bào sừng, tất cả làm bong tróc lớp thượng bì và tạo ra các bọng nước. Ở những tổn thương cũ, có thể tìm thấy các đại thực bào chứa sắc tố melanin và các thay đổi mạn tính như dày sừng, u hạt...
Phương pháp tốt nhất để xác định nguyên nhân gây bệnh là cho người bệnh uống thử lại loại thuốc nghi ngờ với liều thấp và theo dõi sự xuất hiện của hồng ban nhiễm sắc cố định.
Cần lưu ý là phương pháp này có thể gây sốc thuốc nên cần được tiến hành một cách thận trọng, trong những trường hợp hồng ban nhiễm sắc cố định xuất hiện ở nhiều vị trí hoặc có bọng nước, không nên áp dụng phương pháp chẩn đoán này. Dùng test áp với loại thuốc nghi ngờ cũng có thể là một phương pháp an toàn và có hiệu quả trong chẩn đoán hồng ban nhiễm sắc cố định.
Hồng ban nhiễm sắc cố định thường tự khỏi sau khi ngưng sử dụng thuốc gây bệnh một vài tuần và thường không để lại sẹo nhưng có thể để lại các đám tăng sắc tố. Những trường hợp ngứa nhiều có thể giảm ngứa bằng các thuốc kháng histamine như chlorpheniramine, cetirzine...
Nếu không hiệu quả, có thể dùng một đợt corticosteroid (như prednisolone, prednisone...) với liều thấp, đường uống trong thời gian 1 - 3 tuần. Người bệnh cần lưu ý tránh sử dụng lại loại thuốc đã gây hồng ban nhiễm sắc cố định và những nhóm thuốc có nhiều nguy cơ gây ra loại tổn thương da này.
ThS. Nguyễn Hữu
Theo Sức Khỏe Đời Sống