Bệnh chóng khỏi nhờ lạc quan

Không hiếm trường hợp chỉ vì một lời nói của bác sĩ khiến cho bệnh tình của bệnh nhân nặng hơn rõ rệt hoặc giảm đi một cách bất ngờ
Ảnh minh hoạ: Internet

Nhiều người trong chúng ta thường mong ước và chúc nhau “thân tâm an lạc”. Rõ ràng, thân (thân xác) và tâm (tinh thần, tâm lý) luôn gắn chặt, tương tác lẫn nhau. Khi thân có an thì tâm mới lạc. Ngược lại, khi tâm cứ mãi lo âu phiền muộn thì không chóng thì chầy, thân sẽ lâm bệnh.

Yếu tố tâm lý vô cùng quan trọng

Ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, yếu tố tâm lý luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe. Một người bề ngoài trông có vẻ khỏe mạnh với vóc dáng hấp dẫn, diện mạo phương phi nhưng nếu trong lòng có điều phiền muộn, bất ổn về tâm lý thì không thể xem là có sức khỏe toàn diện mà lúc nào đó sẽ đổ bệnh. Còn người đang bị bệnh nhưng tâm lý ổn định, có mối quan hệ tốt với bác sĩ chữa bệnh, tin vào tác dụng hiệu quả của chế độ dùng thuốc, có thái độ lạc quan, không sầu muộn thì chắc rằng bệnh sẽ mau được chữa khỏi.

Nhiều thông tin y học cho thấy nụ cười, tiếng cười rất có lợi cho sức khỏe con người. Nụ cười không chỉ để làm duyên, tiếng cười không chỉ để lấy lòng người đối diện mà còn là thuốc bổ giúp duy trì, bảo vệ sức khỏe của con người. Cười có tác dụng tăng cường tim mạch, giúp đưa nhiều máu đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Những người vô tư, luôn tươi cười ít bị bệnh tăng huyết áp. Câu nói “Giận quá hại gan, buồn quá hại phổi, lo quá hại tì, sợ quá hại thận” là rất đúng. Vì giận, buồn, lo, sợ sẽ đưa đến stress. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi bị stress, cơ thể có những biến đổi về thể chất và tinh thần, mà những biến đổi này có thể trở thành nguy cơ gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau như tim mạch, gan, thận…

Đối với các bác sĩ có tâm, khi điều trị bệnh, họ thường khai thác tối đa yếu tố tâm lý để giúp quá trình chữa bệnh diễn tiến tốt đẹp. Bác sĩ có mối quan hệ tốt với bệnh nhân, cung cách khám chữa bệnh đúng mực, nói năng nhẹ nhàng, thân tình, giải thích rõ ràng, cặn kẽ những gì vướng mắc sẽ giúp bệnh nhân ổn định về mặt tâm lý và giúp việc điều trị bằng thuốc hoặc bằng phương thức trị liệu khác diễn ra tốt hơn. Không hiếm trường hợp chỉ vì một lời nói của bác sĩ khiến cho bệnh tình của bệnh nhân nặng hơn rõ rệt hoặc giảm đi một cách không ngờ.

Còn đối với gia đình - người thân, nhờ có sự thông cảm, đối xử thân tình, động viên, khuyên nhủ, hết lòng chăm lo mà người bệnh cảm thấy an tâm, hợp tác tích cực trong quá trình chữa trị bệnh, góp phần vào việc điều trị thành công.

Tin tưởng dẫn đến lạc quan

Năm 1980 ở Mỹ, một cuộc nghiên cứu đã tiến hành trên một số bệnh nhân sau cuộc mổ (hậu phẫu) được dùng thuốc giảm đau theo yêu cầu (tức có đau mới dùng thuốc). Các bệnh nhân này được chia làm 3 nhóm, đều được cho dùng thuốc giảm đau theo yêu cầu là placebo (thuốc vờ hay giả dược, tức không có tác dụng giảm đau) trong 3 ngày.

Đặc biệt, trước khi cho dùng thuốc, bác sĩ dặn dò với 3 kiểu nói khác nhau. Nhóm 1, bác sĩ không nói gì cả. Nhóm 2, bác sĩ nói với người bệnh: “Thuốc giảm đau được cho dùng có thể là thuốc thật nhưng cũng có thể là placebo”. Nhóm 3, bác sĩ nói với giọng thân ái và quyết liệt: “Thuốc giảm đau cho dùng là thuốc cực kỳ tốt”.

Kết quả, nhóm 1 có số người bệnh yêu cầu được dùng thuốc giảm đau nhiều hơn cả. Nhóm 2 có số người bệnh yêu cầu dùng thuốc giảm đau ít hơn nhóm 1 là 20,8%. Còn nhóm 3 có số người bệnh yêu cầu thuốc giảm đau ít hơn nhóm 1 đến 33,8%. Điều đó cho thấy sự tin tưởng của người bệnh đối với bác sĩ đưa đến thái độ lạc quan (người bệnh nghĩ dùng thuốc cực kỳ tốt nên rất dễ lên tinh thần) và có thể làm giảm hay hết bệnh.

Đã là người thì thế nào cũng có lúc bị bệnh, ta phải an nhiên chấp nhận nó với thái độ gọi là vô tâm, vô ngã. Vô tâm, vô ngã ở đây không có nghĩa là không có tâm (hay thân tâm) gì cả, sống như cây cỏ, gỗ đá hoặc cố nghĩ mình không còn tồn tại trên đời. Vô tâm ở đây có nghĩa là không có tâm chấp trước vào các sự vật, hiện tượng xảy ra theo luật vô thường của trời 

đất; vô ngã là không xem thân mình quá quan trọng, không phải thường hằng, vĩnh viễn. Nếu thân có bệnh thì tâm rất nên an, không bất ổn về mặt tâm lý và khi được bác sĩ chữa trị thì cộng tác chân tình, lạc quan tin tưởng vào chế độ điều trị sẽ giúp mình khỏi bệnh.

Cũng cần lưu ý, những trở ngại tâm lý có khi do chính bệnh gây ra, như người bệnh bị trầm cảm, lo âu đưa đến sầu muộn, chán đời mà bản thân thấy không thể dùng ý chí khắc phục được. Khi ấy, nên thông báo cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giúp ta vượt qua trở ngại tâm lý do bệnh.

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức
Theo Theo NLĐ