Bến xe... không có xe
Sáng 21/10, tại Bến xe phía Nam Đông Hà, đập vào mắt chúng tôi là quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Cả bến xe và bãi đỗ xe tĩnh rộng thênh thang nhưng không có chiếc xe khách nào đậu đỗ. Trong bãi chỉ có con ô tô 4 bánh và chiếc xe máy của nhân viên. Bên trong nhà bán vé một nhân viên nữ ngồi đợi đóng lệnh cho xe xuất bến. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý Bến xe khách Quảng Trị Trần Thanh Tâm cho hay: “Trung bình một ngày có 35 chuyến xe xuất bến, lượng khách vào bến chỉ chiếm khoảng 30% hành khách ở trên xe”.
Được đưa vào sử dụng năm 2015, qua gần 4 năm hoạt động, Bến xe phía Nam Đông Hà (tên gọi đầy đủ: Bến xe và bãi đỗ xe tĩnh phía Nam thành phố Đông Hà) luôn trong tình trạng - đói - khách. Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Trị Lê Thanh Hùng thông tin, dự án được triển khai thi công từ năm 2014, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12/2015. Công trình bến xe và bãi đỗ xe này do Sở GTVT làm chủ đầu tư, có diện tích 13.366m2, được đầu tư 14,6 tỷ đồng. Công trình được xếp loại bến xe loại 4 gồm có các hạng mục: nhà để xe, nhà bảo vệ, nhà bán vé kết hợp phòng chờ, nhà vệ sinh, cổng, hàng rào bê tông… Mục đích của việc đầu tư bến xe và bãi đỗ xe này là giảm tải cho Bến xe khách Đông Hà (425 Lê Duẩn, phường Đông Lễ) nhưng thực tế không đạt hiệu quả như mong muốn.
Quá xa khu dân cư?
Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị Lê Thanh Hùng cho biết, ngày 31/12/2015, Sở GTVT có Quyết định số 2720 điều chuyển 5 tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh đang khai thác tại Bến xe khách Đông Hà sang hoạt động tại Bến xe phía Nam Đông Hà, gồm các tuyến: Đông Hà-Lao Bảo, Đông Hà- Khe Sanh, Đông Hà-Tà Rụt, Đông Hà - Hồ Xá và Đông Hà -thị xã Quảng Trị với tổng cộng 67 phương tiện và 64 lượt phương tiện xuất bến mỗi ngày. Trong năm đầu hoạt động, bến xe có doanh thu và lợi nhuận cao nhưng sau đó, số chuyến xe, số lượng người cũng như doanh thu từ bến xe sụt giảm dần qua các năm.
Qua hơn 3 năm hoạt động, hiện, bến xe chỉ còn 57 phương tiện với 3 tuyến chính: Đông Hà-thị xã Quảng Trị, Đông Hà-Khe Sanh, Đông Hà-Lao Bảo.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý Bến xe khách Quảng Trị Trần Thanh Tâm cho biết, việc thu tiền bán vé và các nhà xe đóng tiền không đủ để trang trải các khoản chi phí nên lỗ nặng. Trung bình mỗi năm bến xe chi 560 triệu đồng cho tiền lương, nhân công và chi 130 triệu đồng tiền thuế, điện, nước, vệ sinh... Trung tâm Quản lý bến xe mỗi năm phải bù khoảng 270 triệu, chưa kể khấu hao để bến xe hoạt động bình thường.
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Lê Thanh Hùng, bến xe hoạt động không hiệu quả bởi nằm xa các khu dân cư, trong khi đó các phương tiện cá nhân ngày càng tăng, nhiều xe trung chuyển có chất lượng phục vụ ngày càng tốt, sẵn sàng đưa trả khách tận nơi.
Sở đang hoàn thiện để trình UBND tỉnh đề án nghiên cứu phương án thay thế các tuyến vận tải cố định nội tỉnh Đông Hà đi các huyện miền núi bằng xe buýt. Sau đó, đánh giá lại toàn bộ quá trình sử dụng thực tế ở các bến xe. Những tuyến nào hoạt động có hiệu quả thì giữ lại và ưu tiên đầu tư phát triển các bến xe có cơ hội tiếp cận với các khu sinh thái, cảnh quan đẹp, góp phần phát triển du lịch ở địa phương.