Bến không chồng

Mải mê làm việc, tăng ca và chăm lo cho người thân ở quê nhà, nhiều nữ công nhân quên đi hạnh phúc riêng tư

Tôi không còn cảm hứng bắt đầu một tình yêu mới...
> Đừng quá lo lắng với các “địch thủ”

Đám cưới là ước mơ của rất nhiều nữ công nhân.

19 giờ, khu nhà trọ gần nhà thờ Khiết Tâm (quận Thủ Đức – TPHCM) vắng vẻ. Một số công nhân (CN) vừa tăng ca về, lục đục nấu nướng chuẩn bị cho bữa ăn tối. Cơm nước xong, một vài CN bắc ghế ngồi trước cửa phòng trọ nhìn ra đường và rù rì tâm sự.

Không có thời gian… yêu

Ghé phòng trọ của một nhóm CN làm việc tại Công ty Pungkook - KCN Sóng Thần, Bình Dương, tôi được họ chào đón nồng nhiệt “vào trò chuyện cho đỡ buồn”. Những câu chuyện của họ cũng quẩn quanh chuyện ở công ty có quản đốc mới, cô bạn cùng chuyền sắp nghỉ việc, Tết này sắm sửa gì làm quà cho gia đình…

Khi tôi hỏi: “Ngày cuối tuần, các chị không đi chơi?”, chị Nguyễn Thị Minh, người lớn tuổi nhất phòng, nói: “Mấy đứa nhỏ còn không đi, tôi già rồi đi đâu. Nói vậy thôi, chỉ có thứ bảy là về sớm, chứ mấy ngày khác thì tăng ca đến tối mịt chưa về. Đến nhà chỉ kịp ăn uống rồi ngủ để lấy sức hôm sau đi làm tiếp chứ thời gian đâu nữa mà chơi bời”.

Phòng có 4 người thì chỉ có cô em út Lê Ngọc Hà có người yêu, 3 người còn lại vẫn đi về lẻ bóng.

Khu nhà trọ của chị Minh có 8 phòng nhưng chỉ có một phòng là vợ chồng ở, 7 phòng còn lại đều là của các cô gái độc thân. “Làm việc ở công ty may có hơn 70% là nữ nên người nam có giá lắm. Có anh nào độc thân, được mắt tí thì mấy em trẻ trung, xinh đẹp đã “xí” hết, có đâu đến bà già này”- chị Lê Thị Lan đùa nhưng tôi thấy đôi mắt chị thoáng buồn.

Thật ra, chị Lan đã lấy chồng từ năm 18 tuổi theo sự sắp xếp của gia đình. Gia đình chồng chị cũng thuộc dạng có của ăn của để trong làng nhưng về làm dâu chị mới biết được gia đình chồng cần người giúp việc hơn là con dâu.

Ngán ngẩm, chị bỏ quê vào TPHCM làm CN hơn chục năm. “Nghe đâu người ta đã lấy vợ, sinh được mấy đứa con rồi. Số mình đã vậy, biết làm sao”- chị Lan tâm sự. Bóng tối trùm lên khu xóm trọ buồn tẻ.

Hy sinh cho người thân

Làm việc tại KCX Tân Thuận - TPHCM ngay những ngày đầu tiên, chị Nguyễn Thị Bông, CN Công ty CCHTop, là một trong những người thâm niên làm CN. Đi làm khi còn là một cô gái trẻ nhưng đến hàng bốn, chị Bông vẫn chưa tính đến chuyện chồng con. Đồng lương CN của chị ngoài việc chi tiêu sinh hoạt cho bản thân còn dè sẻn gửi về phụ giúp cha mẹ nuôi các em đi học. Hết lo chuyện học hành rồi dựng vợ, gả chồng cho đàn em, đến khi nhìn lại mình thì chị không còn trẻ nữa.

“Ráng làm vài năm nữa, dành dụm thêm ít tiền, tôi về quê ở với vợ chồng thằng út, phụ nó chăm con. Thương cháu như con chắc sau này nó cũng thương mình”- chị Bông tâm sự.

Cùng hoàn cảnh như chị Bông là chị Trần Thị Len, CN Công ty Tường Minh (quận 8- TPHCM). Dù làm ở mấy công ty và chuyển chỗ ở nhiều lần nhưng hoàn cảnh độc thân của chị Len thì không có gì thay đổi.

Chị kể bằng giọng miền Tây thật thà: “Ngày trước, tôi cũng là một cô gái dễ coi và đã có người yêu ở quê. Sau khi đi làm CN được một năm, anh ấy nhắn về cưới và ở nhà phụ ruộng nương nhưng cưới rồi thì làm sao lo cho gia đình được nữa. Vậy là người ta đi cưới vợ và tôi vẫn chưa yêu được ai”.

Rời chỗ ở của những CN này, tôi ra về nhưng lòng cứ vương vấn câu nói của chị Len: “Nhiều lúc cô đơn, cần một người để chia sẻ khó khăn, buồn vui nhưng ở tuổi này tìm được người tử tế thật khó!”.

Bà Phạm Thị Hoa, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM:Tạo điều kiện để công nhân được có đôi

Do đặc thù công việc, nhiều ngành nghề như dệt may, da giày, thủy sản…, CN nữ chiếm phần đông nên việc tìm kiếm người yêu, người để lập gia đình càng khó khăn. Cộng thêm điều kiện làm việc tăng ca liên tục càng khiến CN thiếu thời gian để yêu đương, tìm hiểu.

Nhưng thực tế chứng minh nếu không có cuộc sống hạnh phúc, cân bằng, CN sẽ không làm việc tốt. Vì thế, doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể cần tạo điều kiện cho CN được hạnh phúc.

Theo Ngân Hà
Người Lao Động

Theo Đăng lại