Bẻ gãy cuồng vọng 'diều hâu' ở Biển Đông thế nào?

TPO - Ngày nay, khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn trên biển rất thấp nhưng tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, các đảo, quần đảo lại có xu hướng tăng mạnh.

Bẻ gãy cuồng vọng 'diều hâu' ở Biển Đông thế nào?

TPO - Ngày nay, khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn trên biển rất thấp nhưng tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, các đảo, quần đảo lại có xu hướng tăng mạnh.

Những điểm nóng trên Biển Đông, Biển Hoa Đông hoặc Biển Nhật Bản đều có thể có bùng phát thành xung đột vũ trang trên biển.

Trong các xung đột vũ trang, thậm chí có thể trở thành chiến tranh trên biển, yếu tố đảo, hải đảo đóng vai trò quyết định trong việc thành bại của cả một chiến lược hải dương, một chiến dịch kết hợp kinh tế, chính trị quân sự nhằm đạt một mục đích chỉ bằng một trận đánh trên biển. Không phải ngẫu nhiên mà Người Mỹ đã gọi Okinawa là tàu sân bay không thể đánh chìm. Với vị trí này, người Mỹ đã đặt quyền thống trị biển châu Á trong một thời gian rất dài.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ vừa tiến hành diễn tập trên khu vực Biển Đông khi tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines leo thang.

Do đó, trong chiến tranh hiện đại, để thực hiện các ý đồ chiến lược như: “Phòng thủ ngoài khơi xa”, “Thống trị biển khơi” “ Phòng thủ tích cực”….Các thế lực thù địch của các cường quốc quân sự với mưu đồ bá quyền - nước lớn sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực, trong tình huống thuận lợi, tiến hành các hành động xâm lược đánh chiếm các quần đảo, các đảo của các nước có chủ quyền, nhằm thỏa mãn ý đồ “quản lý là thống trị" các vùng biển có lợi ích về kinh tế, địa chính trị và phục vụ cho các mục đích chiến lược sau này.

Trong giai đoạn ngày nay, để biện minh trên trường thế giới cho những hành động xâm lược, các thế lực phản động hay đưa các cuộc xâm lược, các đòn tấn công thành các hình thức như “phản kích, tự vệ” hoặc biến thành chuyện “đã rồi” thành “vùng tranh chấp” nhằm thực hiện ý đồ của mình. Thông thường, các tranh chấp biển đảo hoặc các hành vi xâm lược sẽ bị lên án hoặc phản kháng, nhưng trong tình huống hải đảo, sự tranh chấp có thể kéo dài hoặc rất dài, trên thực tế các thế lực diều hâu nước lớn đã có những thành công nhất định trong việc xâm lấn chủ quyền. Một trong những bài học hiện nay là sự kiện Trung quốc – Philippines với bãi cạn Scarborough. Các tranh chấp vẫn có thể kéo dài đến vô cùng và nếu không có sự hiện diện của Mỹ, chắc chắn tình hình bãi cạn Scarborough sẽ khác rất nhiều.

 

Thông thường, để đánh chiếm một quần đảo hay một đảo trên biển khơi cần kết hợp nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó:

- Yếu tố khách quan: Đó là vị thế chính trị của nước đang nắm chủ quyền vùng nước, hải đảo trên trường thế giới, tình hình kinh tế chính trị nội bộ của đất nước, vị thế địa chính trị trong khu vực, tiềm lực quân sự, kỹ thuật quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, đội ngũ sĩ quan chỉ huy và trình độ, năng lực tổ chức điều hành tác chiến – không hải chiến, những yếu tố về địa hình, thủy văn vùng nước cũng như vị trí của đảo, quần đảo so với vùng nước cần thống trị và bờ biển của chủ thể sở hữu nó….Những yếu tố khách quan này quyết định sự thành công hay thất bại chính của một chiến dịch xâm lược biển khơi. Để một chiến dịch có thể thành công, tổng quan giá trị của tất cả các yếu tố khách quan phải rất thuận lợi, bao gồm cả yếu tố bất ngờ trong quan hệ song phương.

- Yếu tố chủ quan: Tiềm lực kinh tế chính trị của nước có thế lực “diều hâu” phải rất lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thế giới. Có lực lượng hải quân viễn dương rất mạnh, có khả năng tác chiến biển xa, đủ tiềm lực để tổ chức các cụm hải quân công kích chủ lực (AVG) bao gồm tàu sân bay (hạng nặng hoặc hạng nhẹ, tuần dương, khu trục tên lửa, hộ vệ, tàu đổ bộ và lực lượng lính thủy đánh bộ, lực lượng không quân hải quân tầm gần và tầm xa, tên lửa đạn đạo cấp chiến lược hoặc tên lửa hành trình), có lực lượng vũ khí chiến lược (vũ khí hạt nhân) và phương tiện mang làm công cụ răn đe. Hội tụ đủ các yếu tố đó, trên thế giới không nhiều các cường quốc có khả năng làm được điều này.

Tàu đổ bộ triển khai tấn công.
 

Trong giai đoạn ngày nay, khi các xu hướng chính trị trên thế giới luôn có những biến động, hình thành một thế giới đa cực, việc tiến hành một cuộc chiến tranh khu vực hoặc đơn giản chỉ là một hành động gây xung đột hoàn toàn không đơn giản, trò chơi đôi khi sẽ phải đối mặt với những cái giá vô cùng lớn. Do đó, để tiến hành một ý đồ gây xung đột hoặc đánh chiếm một đảo, một quần đảo nhằm quản lý thống trị một vùng nước lớn hoặc thực hiện mưu đồ lãnh đạo, kiểm soát khu vực đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị lâu dài tất cả các lĩnh vực: chính trị đối nội và đối ngoại, binh lực và trang bị kỹ thuật, nghiên cứu kỹ và sâu vùng biển, các mục tiêu cần đánh chiếm.

Tương tự như các cuộc xung đột biên giới hoặc tranh chấp chủ quyền, gây chiến đánh chiếm hải đảo, quần đảo có những đặc điểm kỹ chiến thuật tương tự như tấn công vùng biên giới, nhưng cũng có những đặc điểm đặc thù riêng. Nếu không xét đến các khía cạnh chính trị, đánh chiếm các đảo, quần đảo có những đặc điểm sau:

Đối với phe gây xung đột vũ trang

- Lợi thế:

1- Các đảo, quần đảo quan trọng thường có vị trí địa lý rất xa đất liền, từ vài chục km đến hàng trăm km biển, dễ bị bao vây cô lập. Diện tích bề mặt thông thường không lớn, do đó khả năng tấn công hỏa lực bao phủ toàn bộ mục tiêu của một cụm hải quân công kích chủ lực khá dễ dàng. Hầu như tất cả các mục tiêu đều có thể bị tiến công trong loạt đạn đầu tiên.

2- Lực lượng phòng ngự thường có binh lực và vũ khí trang bị, phương tiện hỏa lực và phương tiện chiến đấu tiến công hạn chế, quân số không đông, khả năng yểm trợ hỏa lực của pháo binh, tên lửa tầm gần không có, do đó dễ dàng chế áp hỏa lực đối phương hoặc tiêu diệt hoàn toàn các trận địa phòng ngự để đổ bộ lên đảo.

3- Lực lượng tấn công thường có vũ khí, trang thiết bị, phương tiện tác chiến hiện đại hoặc siêu hiện đại, quân số đông, kỹ năng tác chiến tốt. Được hỗ trợ các phương tiện thông tin, trinh sát rất hiện đại. Được chi viện bằng hỏa lực rất mạnh, đa chiều, đa hướng.

4- Trong điều kiện đảo có diện tích nhỏ, để giải quyết nhanh dứt điểm, đối phương có thể liều lĩnh sử dụng vũ khí hóa học mau tan nhằm nhanh chóng đánh chiếm đảo, thu dọn chiến trường nhanh, xóa dấu vết.

5- Có thể sử dụng nhiều phương thức tấn công, từ mật tập bằng các phương tiện cơ động ngầm ngoài khơi (từ các tầu ngụy trang dân sự) hoặc tầu ngầm nguyên tử. Hoặc cường tập từ các cụm hải quân chủ lực công kích (tàu sân bay, tàu đổ bộ đường biển, khu trục hạm, tàu hộ vệ tên lửa ..bằng các phương tiện đổ bộ thông thường của lính thủy đánh bộ.

- Nhược điểm:

1- Mục tiêu thông thường nằm trên một khu vực biển lớn, là chướng ngại vật tự nhiên rất phức tạp, đòi hỏi phải trinh sát, nghiên cứu địa hình đáy biển đến bờ biển đảo rất kỹ, nắm chắc được mọi điều kiện khí tượng, thủy văn, môi trường, thời tiết đồng thời những đặc điểm đặc thù của đảo. Kỹ thuật trinh sát địa hình đòi hỏi công nghệ cao, tỷ mỉ và do đó yêu cầu thời gian dài.

2- Khu vực biển ven đảo vừa là chướng ngại vật khó khăn phải vượt qua, vừa là khu vực thuận tiện cho lực lượng phòng ngự xây dựng các trận địa vật cản chống tấn công đổ bộ đường không – biển dày đặc, phức tạp và khó phá gỡ. Tổn thất lớn nhất thường ở khu vực hàng rào, vật cản chống đổ bộ và chống ngầm.

3- Trong mọi trường hợp tác chiến đổ bộ, các lực lượng tấn công khi bị phát hiện sớm, cũng rất dễ dàng biến thành mục tiêu công kích của các lực lượng không quân – hải quân đối phương và phải chịu những tổn thất to lớn, đồng thời chắn chắn trận đổ bộ lần thứ II sẽ không thể diễn ra trong thời gian ngắn tiếp theo.

4- Trận đánh phải dứt điểm trong khoảng thời gian ngắn. Do đó yêu cầu tác chiến phải rất cao và đòi hỏi trình độ kỹ chiến thuật rất cao, quân số và phương tiện chiến tranh phải vượt gấp nhiều lần sức chịu đựng và tiềm năng hỏa lực phòng thủ.

Đối với lực lượng phòng ngự đảo

Nguy cơ:

1- Trận đánh sẽ diễn ra bất ngờ cả về không gian tác chiến và thời gian tác chiến, thường sẽ diễn ra vào thời điểm bất ngờ nhất (cuối giờ chiều, đầu giờ sáng, ban đêm, thời tiết xấu như mưa bão, sương mù hoặc những đặc điểm khí hậu thời tiết bất lợi nhất).

2- Phương thức tác chiến bất ngờ. Với mục đích dứt điểm nhanh gọn, trên địa bàn xa đất liền và không gian rộng lớn, khó kiểm soát, đối phương sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào nhằm đánh chiếm một mục tiêu không lớn. Các phương thức tác chiến có thể là: Bí mật đột nhập đánh chiếm bằng lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường biển (ngầm), đổ bộ đường không bí mật (nhảy dù) kết hợp với đổ bộ đường; cường tập bằng hỏa lực pháo binh tên lửa, hỏa lực của máy bay cường kích, máy bay trực thăng chiến đấu có sức hủy diệt lớn, cùng một lúc bao trùm lên tất cả các trận địa phòng ngự và tuyến hành lang đổ bộ trong một khoảng thời gian đủ lớn (từ 10 – 30 phút) đồng thời với hỏa lực bộ binh, thiết giáp đổ bộ lên đảo.

Kết hợp cả mật tập và cường tập, lực lượng biệt kích đối phương sẽ bí mật mở hành lang đổ bộ, đánh chiếm khu vực bãi đổ bộ, xây dựng bàn đạp đổ quân, phá hủy các trận địa, các mục tiêu quan trọng, tiếp theo là hỏa lực có độ chính xác cao phá hủy các mục tiêu quan trọng và cuối cùng là lực lượng lính thủy đánh bộ đổ bộ lên đánh chiếm đảo.

3- Hỏa lực không giới hạn: Trong trận đánh hải đảo, do khoảng cách xa với đất liền, đối phương sẽ sử dụng triệt để tất cả các loại vũ khí có sức công phá mạnh nhất cũng như có những tính năng kỹ chiến thuật phi nhân đạo nhất, bảo gồm cả bom, đạn pháo binh, bi, mảnh, đầu đạn nhiệt áp, bom cháy napal, photpho, bom xuyên phá công trình phòng ngự khối lượng lớn.v..v…tấn công dồn dập từ nhiều chiều, nhiều hướng, từ trên không, trên biển và dưới biển với các loại vũ khí có điều khiển và vũ khí phi điều khiển, hỏa lực bắn thẳng và hỏa lực cầu vồng.

4- Không có hậu phương chiến trường: Trong chiến đấu phòng ngự đảo, đối phương sẽ bao vây phong tỏa trên biển và trên không. Do đó lực lượng phòng ngự sẽ phải chiến đấu độc lập, không có khả năng được chi viện binh lực hoặc hỏa lực và phải bảo vệ được đảo trong một thời gian nhất định trước khi được tăng viện.

Ưu thế:

1- Hiểu biết kỹ và sâu sắc hình thái địa hình, thủy văn môi trường, khí tượng. Có khả năng xác định được khu vực thuận lợi cho đổ bộ và khu vực không thuận lợi nên có sơ đồ, kế hoạch và phương thức tác chiến trong mọi điều kiện tình huống có thể xảy ra.

2- Trận địa phòng ngự biển đảo được xây dựng dài ngày, có chiều rộng và có chiều sâu, các trận địa hàng rào, vật cản, trận địa thủy – ngư lôi, các hỏa điểm, các công trình công sự, hầm ngầm và kho tàng quân sự được xây dựng vững chắc, có khả năng phòng ngự dài ngày.

3- Có điều kiện, khả năng xây dựng hệ thống yểm trợ hỏa lực tầm xa, hệ thống thông tin liên lạc đa chiều, hệ thống trinh sát tầm xa và cảnh báo sớm trên không trung, trên biển và dưới biển và hệ thống chi viện hỏa lực trong các tình huống với lực lượng Không quân Hải quân và Hải quân.

Lực lượng không quân có vai trò quan trọng trong việc chi viện phòng thủ đảo.

4- Cuộc chiến đấu quyết liệt, không có khả năng lui quân hoặc gọi tăng cường lực lượng dự bị. Do đó, tính quyết tâm tuyệt đối cộng với trận địa phòng ngự vững vàng và sự chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chặt chẽ, đầy đủ trong mọi tình huống, sẽ là sức mạnh không dễ vượt qua.

Từ những phân tích và thống kê đã nêu, có thể nhận thấy: Xây dựng trận địa phòng ngự biển đảo phải được tiến hành trong điều kiện thời bình, tính toán đến phương án tác chiến ở cường độ cao nhất nhằm đập tan ý đồ tấn công, xâm lược đảo ngay từ khi trong giai đoạn còn tranh chấp chủ quyền ở mức độ đấu tranh chính trị.

Hệ thống phòng ngự tầm xa

Hệ thống phòng ngự đảo, quần đảo phải được nằm trong hệ thống phòng ngự chung trên biển, bao gồm cả hệ thống theo dõi và chống ngầm, quản lý, kiểm soát và theo dõi các mục tiêu tàu nổi, hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa biển đảo.

 

Hệ thống phòng ngự chống ngầm

- Hệ thống đồng bộ hóa các phương tiện tình báo, trinh sát, theo dõi và quản lý các mục tiêu – tàu ngầm, tuyến đường cơ động thưởng xuyên và các khu vực có nguy cơ trở thành bàn đạp tác chiến của tầu ngầm ( khu vực tập kết hỏa lực – tên lửa; khu vực có khả năng đổ bộ lực lượng đặc nhiệm – người nhái.

- Hệ thống các trận địa và phương tiện chống ngầm: Các trận địa ngư – thủy lôi, các trận địa hàng rào, vật cản chống ngầm, các chiến hạm chống ngầm và các tổ hợp ngư lôi, tên lửa chống ngầm được bố trí trên đảo, quần đảo.

Hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa

Trong cuộc tấn công đánh chiếm hải đảo, Đối phương bắt buộc phải sử dụng lực lượng không quân hải quân (tiêm kích đa nhiệm, cường kích mang tên lửa và bom có điều khiển. Kết hợp với lực lượng không quân hải quân trên tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ như máy bay cường kích tầm gần hoặc trực thăng yểm trợ hỏa lực và đổ bộ đường không. Đối phương sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo, hành trình kết hợp với bom có điều khiển, sau đó là bom và rockets thông thường tấn công kết hợp với pháo hạm.

Để ngăn chặn và đánh trả các đòn tấn công của đối phương, hệ thống phòng không phải được xây dựng ngay trong thời bình và là một yếu tố cấu thành của hệ thống phóng không quốc gia trên biển, trong đó cần chú trọng xây dựng hệ thống phỏng không tầm xa và phòng thủ tên lửa tầm gần (tên lửa hành trình).

 

Hệ thống phòng không bảo vệ hải đảo sẽ có 3 lớp phòng không: Phòng không chống máy bay cường kích và tên lửa tầm xa (vũ khí trang bị có thể là Su 30MK; S-300), hệ thống phòng không tầm trung (máy bay tiêm kích, tên lửa phòng không chiến hạm) và hệ thống phòng không tầm gần – trực tiếp trên đảo (tên lửa phòng không tầm gần, tên lửa vác vai, pháo và súng phòng không các cỡ nòng.

Các lớp phòng không phải đặt trong hệ thống phòng không thống nhất, đồng bộ hóa dưới một trung tâm chỉ huy phòng không Biển – Đảo, liên kết chặt chẽ với hệ thống tình báo – trinh sát và cảnh báo sớm.

Hệ thống phòng ngự đổ bộ đường biển

Hệ thống phòng ngự chống đổ bộ đường biển được cấu thành từ hệ thống trận địa ngư – thủy lôi, hàng rào vật cản dưới mặt nước biển và hệ thống phòng ngự trên bờ biển, hệ thống chống địch đổ bộ đường không.

Do lực lượng phòng ngự trên đảo, quần đảo tương đối giới hạn về quân số, vũ khí trang bị và phương tiện tác chiến có hỏa lực mạnh (các đơn vị xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh – tên lửa cấp chiến dịch…). Điều kiện tiên quyết để có thể phòng ngự tốt trước một lực lương công kích mạnh hơn gấp nhiều lần là hệ thống phòng ngự chủ động bằng tất cả những phương tiện thông thường, hiện đại và siêu hiện đại.

Hệ thống phòng ngự đổ bộ trên đảo 

1- Hệ thống trinh sát, cảnh giới và cảnh báo sớm, bao gồm các đài radar các tầm, các hệ thống quan sát thường xuyên ngày đêm như hệ thống camera hồng ngoại, hệ thống quan sát quang ảnh nhiệt, hệ thống sonar và các trang thiết bị cảm biến, dò tìm và theo dõi mục tiêu dưới và trên mặt nước biển.

2- Hệ thống trận địa thủy lôi, thủy ngư lôi các độ sâu và các phương thức kích nổ khác nhau. Các trận địa hàng rào, vật cản ngầm dưới nước, hệ thống mìn và hàng rào vật cản chống đổ bộ trên bờ biển, nơi có khả năng địch đổ bộ bằng các phương tiện đổ bộ thông thường.

Những người lính đảo Trường Sa luôn luyện tập, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền tổ quốc.

3- Trận địa phòng ngự trên các hướng khu vực chiến hạm, tàu đổ bộ cơ động đổ bộ, hành lang đổ bộ trên biển (hành lang từ tàu đổ bộ vào đến mép bờ biển), vùng bãi biển, nơi địch có thể đổ bộ bằng các phương tiện đổ bộ (bàn đạp đổ bộ), các khu vực địch có thể đổ bộ bằng đường không.

Xây dựng một thế trận phòng ngự vững chắc và có chiều sâu, được chuẩn bị kỹ càng. Đồng thời với việc diễn tập thường xuyên các tình huống chiến đấu nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại trong trinh sát, quản lý vùng nước, vùng trời, tổ chức chỉ huy điều hành tác chiến. Đó là điều kiện tiên quyết để bẻ gãy mọi âm mưu gây xung đột của các thế lực “diều hâu” nước ngoài.

(còn tiếp)

Trịnh Thái Bằng

Theo Viết