> Nhật ký đi hoang của nữ sinh 15 tuổi
> Cảnh báo quý tử 'chém gió', phê 'pin' cả ngày
Nạn nhân trong vụ tai nạn chết đuối thương tâm là em Phạm Thị Bích Trâm (12 tuổi, học sinh lớp 3 trường tiểu học Ánh Sáng, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Trước đó khoảng 11h40 ngày 2-12, Trâm cùng 2 bạn trai (cũng trạc tuổi nhau) kéo ra gầm cầu Kinh (thuộc bán đảo Thanh Đa, đường Bình Quới, P.27, quận Bình Thạnh) lấy keo dán hiệu con chó ra hít.
Sau đó cả 3 em lăn ra trụ bêtông chân cầu nằm “phê" keo. Bất ngờ bé Trâm bị ngã xuống dòng sông Sài Gòn nước chảy xiết rồi chìm mất tích. Cả 2 em còn lại hốt hoảng kêu la cầu cứu nhưng khi mọi người chạy đến nơi thì em Trâm đã bị nước cuốn trôi xa.
Nhận tin báo, lực lượng cứu hộ, cứu nạn thuộc Sở CS PCCC Công an TPHCM đã đưa lực lượng đến hiện trường tìm kiếm nạn nhân. Đến 15h cùng ngày, thi thể em Trâm đã được tìm thấy, giao cho Công an quận Bình Thạnh làm thủ tục pháp y trước khi bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Tại trụ sở Công an phường, 2 đứa trẻ liên quan đã khai nhận toàn bộ vụ việc, công an cũng thu giữ một số ống keo nhãn hiệu con chó mà những đứa trẻ này vừa hít.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết: "Trào lưu hít keo này đã có ở nước ngoài từ lâu. Một số người nghiện thuốc phiện nhưng không có nhiều tiền mua heroin nên hít keo thay thế. Loại này giá thành rẻ hơn mà vẫn mang lại được cảm giác "đê mê" tương tự ma túy".
Theo bác sĩ Thắng, sau một thời gian hít, các hóa chất này đi vào cơ thể người sử dụng sẽ làm chết tế bào thần kinh trung ương, sau đó gây ra các bệnh nghiêm trọng ở phổi, dạ dày, tim, gan, thận...
Được biết keo dán (hiệu con chó, con voi…) thực ra là một hợp chất polymer hòa tan trong dung môi, là hỗn hợp dựa trên các liên kết hóa học để tạo sự kết dính. Trong đó, những hóa chất được dùng làm dung môi có thể có thành phần alcool, axit, acetone... khi hít vào sẽ có tác dụng kích thích làm thay đổi tình trạng não bộ, gây ra ảo giác hưng phấn tạm thời. Nó cũng khiến người nghiện "tăng đô" như sử dụng thuốc phiện
Theo Vũ Sơn
Kiến thức