Jean-Claude Arnault là chồng nhà thơ Katarina Frostenson - một thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển. Ông cùng vợ điều hành một câu lạc bộ văn hóa tư nhân dưới sự tài trợ của Viện Hàn lâm.
Theo New York Times, gần đây, Jean-Claude Arnault tiếp tục bị cáo buộc đã lạm dụng nhiều phụ nữ ở câu lạc bộ và những nơi thuộc sở hữu của Viện Hàn lâm tại Stockholm (Thụy Điển) và Paris (Pháp) suốt 20 năm qua. Ngoài ra, ông đã làm rò rỉ các thông tin trao giải của Hội đồng bảy lần, kể từ năm 1996.
Cảnh sát Thụy Điển đã lập hồ sơ điều tra vụ án, bất chấp việc chính quyền cảnh báo họ sẽ không thu thập đủ bằng chứng do các cáo buộc đã quá cũ. Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng cắt đứt mọi liên hệ với Arnault và câu lạc bộ của ông. Họ còn thuê một công ty luật tư vấn việc này.
Năm 1996, Anna-Karin Bylund - một nghệ nhân dệt - từng gửi thư tố cáo hành động quấy rối tình dục của Jean-Claude Arnault. Tuy nhiên, Sture Allen - người đứng đầu Viện Hàn lâm lúc bấy giờ - không có động thái gì vì cho rằng "nội dung bức thư không quan trọng".
Ông Arnault bác bỏ mọi cáo buộc. Vợ ông - bà Frostenson - từ chối thôi chức. Trong cuộc bỏ phiếu gần đây của Hội đồng Viện Hàn lâm, tám thành viên bỏ phiếu chấp thuận cho bà ở lại vị trí, sáu người bỏ phiếu yêu cầu bà từ chức. Klas Ostergren, Kjell Espmark và Peter Englund - những người phản đối Frostenson - tuyên bố họ sẽ không làm việc với Viện Hàn lâm nữa. Một người khác là bà Sara Stridsberg cũng thông báo từ chức.
Cuộc tranh cãi đã phơi bày sự rạn nứt nội bộ của Viện Hàn lâm. Horace Engdahl - một thành viên trong Hội đồng ủng hộ Arnault - gọi những người phản đối vợ chồng ông là "những kẻ vô dụng". Ông Engdahl cũng chỉ trích người đứng đầu Viện Hàn lâm - bà Sara Danius - người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị này. Horace Engdahl cho rằng việc rò rỉ thông tin giải thưởng trước vài ngày không quá nghiêm trọng. Phát ngôn của Horace Engdahl bị chỉ trích. Nhiều người cho rằng bà Danius gặp nhiều khó khăn khi điều hành viện bởi việc phân biệt giới tính.
Đại diện Quỹ Nobel bày tỏ: "Sự tin tưởng vào Viện Hàn lâm Thụy Điển đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến uy tín giải Nobel Văn học". Quỹ cho biết viện cần đảm bảo tính bảo mật của các cuộc tranh luận về giải thưởng. Những người vi phạm nên bị xử lý bởi pháp luật. "Phải mất một thời gian dài để chúng ta lấy lại uy tín.
Các thành viên của viện giờ đây phải đặt sứ mệnh của họ lên trước lợi ích cá nhân để khôi phục danh dự của giải Nobel Văn học", đại diện quỹ chia sẻ với báo giới. Vua Carl XVI Gustaf cũng cho rằng những mâu thuẫn nảy sinh trong Viện Hàn lâm Thụy Điển có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến vai trò của cơ quan này. Thời gian tới, đích thân ông sẽ chấn chỉnh viện.
Viện Hàn lâm Thụy Điển được thành lập vào năm 1786 bởi vua Gustav III, là một trong các Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển, bên cạnh Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Viện ra quyết định hàng năm về giải Nobel Văn học, thực hiện theo di chúc nhà tài trợ Alfred Nobel.