Ngôi nhà ấy sau những cái chết liên tiếp của những chủ nhân, nay đã bị bỏ hoang, tường loang lổ vữa rơi gạch mủn, cửa sổ há hốc, cửa chính mốc meo, trẻ con trong xóm có cho kẹo cũng không đứa nào dám lân la.
Ông Đỗ Văn Hìu, một người hàng xóm cho biết, trước khi gia đình ông Minh chuyển về đây sinh sống, miếng đất đã có một đời chủ khác. Mảnh đất trước đó là khu nghĩa địa, đời chủ thứ nhất đã lập một cái am nhỏ ngay góc vườn, hương khói thương xuyên.
Nhang khói được hơn 3 năm, trong một lần say rượu, gia chủ vô tình làm rơi vỡ vụn bát hương trong am. Ngay sau đó gia đình này gặp phải rất nhiều đen đủi khó giải thích, rồi người chồng ốm nặng qua đời. Bà chủ và và đứa con liền bán miếng đất chuyển vào Nam sinh sống, nhưng không lâu sau cả hai mẹ con cũng cùng qua đời vì tai nạn giao thông.
Không lâu sau, gia đình ông Minh chuyển tới. Thấy người lạ chuyển đến ngôi “nhà ma”, người dân trong làng xôn xao bàn tán, khuyên nên nghĩ lại, nhưng ông Minh không thay đổi ý định. Ngày đó ông Minh còn làm gạch nung, thấy khu đất rộng là ưng ý ngay, có lẽ vì nghĩ sẽ có nhiều đất để làm gạch.
Sau khi mua lô đất, ông chủ mới “đầu tư” hẳn cái miếu nhỏ bên cạnh gốc mít góc vườn, rồi đào ao nước ngay phía hông nhà, vừa có đất để nung gạch, vừa có ao thả cá, nuôi vịt. Ao được đào chưa lâu thì vợ ông phát bệnh. Suốt ngày bà chạy ra phía ao, la hét ầm ĩ và lảm nhảm mình bị “trời đày”. Một ngày mùa đông lạnh cắt da, bà nhảy xuống chính cái ao đó, tự vẫn.
Vợ mất, ông Minh tỏ ra hoảng loạn, không để ý đến công việc làm ăn. Kinh tế gia đình sa sút. Nhưng tai ương chưa hết. Người con út của ông bà gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm về sau đám tang mẹ không lâu. Rồi người con trai thứ hai bị điện giật ở nhà mất mạng.
Tang trùng tang. Ông Minh vì thế tiều tụy, chán nản, cũng qua đời không lâu sau. Cả gia đình 3 người con trai khỏe mạnh, nay chỉ còn người con lớn nhưng cũng phát bệnh tâm thần, bỏ nhà đi từ mấy năm nay.
Cả gia đình ông Minh giờ chỉ còn lại đứa cháu nội mới ba tuổi. Người con dâu của gia đình nhớ lại: “Chỉ trong vài năm mà các thành viên trong gia đình cứ lần lượt “ra đi”, mọi thứ như đổ ập xuống đầu tôi khiến tôi không thể nào chống nổi. Thôi thì mẹ con đành cố sống”.
Dân làng bắt đầu “mổ xẻ” những vấn đề “phong thủy”, “đất thiêng” quanh căn nhà này. Một cao niên kể lại: “Ngày trước thi thoảng có trẻ con đến đấy chơi nhưng từ khi những đứa trẻ vào nghịch phá đồ đạc về bị đau bụng, ngã gãy chân thì không đứa nào dám đến nữa”.
Có người cho rằng, trước đây, khu đất thuộc đất của đền cũ ở làng. Hàng chục năm trước, do chủ trương cải tạo làng xóm nên khu đền chính Xuân Biểu được tháo dỡ để lấy đất ở cho người dân. Rồi người chủ đầu tiên của khu đất còn lấy một số gỗ của đình để làm nhà nên mới xảy ra cơ sự vậy. Lại có người quả quyết do ông Minh đào ao, đã chạm vào “long mạch”, mà việc hương khói lại không được thường xuyên nên gặp vận đen.
Ông Nguyễn Văn Giản, trưởng thôn Xuân Biểu cho biết: “Những cái chết trong gia đình ông Minh là có thật. Trong chưa đầy hai năm mà người trong nhà cứ lần lượt “rủ” nhau ra đi”. Tuy nhiên theo ông Giản, chuyện “đất thiêng” chỉ là trò mê tín dị đoan của những “ông đồng, bà cốt”.
Những cái chết của những người từng sống tại căn nhà này chỉ là do sự trùng hợp. Ông trưởng thôn lập luận: "Nếu bảo chết vì động long mạch thì tại sao khi đào ao xong không chết ngay mà lại đợi đến vài năm sau sự việc mới xảy ra".
Ông Giản xác nhận, ngày xưa Xuân Biểu có hai ngôi đình làng nhưng do chính sách bài trừ mê tín dị đoan nên đã cho tháo dỡ một đình Cả để lấy đất cho người dân xây nhà. Nhưng khu đất đền là khu giữa thôn, thuộc khu vực chợ của thôn hiện giờ chứ không phải là khu nhà ông Minh.
“Tất cả những vật liệu của đình Cả đã được đưa về để xây dựng nhà hợp tác và trùng tu ngôi đền Trung bên trong, chuyện chủ cũ của căn nhà trên có lấy gỗ trong đền về xây nhà mình hay không thì không rõ”, ông Giản cho biết thêm.