> Sự thật về bản danh sách 20 đối tượng
> Nguyên thiếu tá công an bị tạm giam năm thứ sáu
Ông Tiếng nguyên là thiếu tá công an, trước khi bị bắt công tác tại Phòng cảnh sát Phòng chống ma túy Công an TP Hà Nội. Ông Tiếng bị cặp vợ chồng trùm tội phạm ma túy Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan (đã nhận hình phạt tù chung thân và tù 20 năm) tố cáo “nhận hối lộ” và “lừa đảo”.
Từ ngày bị bắt, ông Tiếng một mực kêu oan. Không chỉ các luật sư bào chữa cho ông Tiếng, ngay các thẩm phán cũng có quan điểm ông Tiếng không phạm tội “nhận hối lộ” và “lừa đảo”. Phiên tòa sơ thẩm lần đầu kết ông Tiếng phạm tội theo ý kiến 3 hội thẩm (HĐXX 2 thẩm phán và 3 hội thẩm) sau đó đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy để điều tra và xét xử lại.
“Tôi có niềm tin nội tâm”
Vợ ông Tiếng là bà Phan Thị Lệ Tuyên, trung tá công an, hiện công tác tại Công an quận Ba Đình, Hà Nội. Trước ngày chồng bị bắt, bà Tuyên được chồng trao một tập tài liệu photocoppy, dặn: “Tìm cán bộ tin cậy trong ngành, trao tận tay”. Đang là điều tra viên, bà Tuyên chủ động xin lãnh đạo chuyển sang bộ phận khác. “Chồng tôi chưa có án, song dẫu sao ông ấy đã bị khởi tố, tôi không muốn bị khó xử khi đối mặt can phạm”, bà Tuyên giải thích.
Bà Tuyên đọc kỹ tập tài liệu ông Tiếng để lại. Chúng khá rời rạc, khó nắm bắt. Sau khi hồ sơ vụ án ông Tiếng được công khai tại tòa, bà Tuyên mới hiểu hết ý nghĩa những tài liệu này.
Trước ngày phiên tòa sơ thẩm mở, có 4 vị khách lạ lần lượt tìm gặp bà Tuyên. Họ là những người từng bị tạm giam tại trại tạm giam T16 Bộ Công an - nơi ông Tiếng bị giam giữ. Họ không biết ông Tiếng, nhưng biết cặp vợ chồng trùm ma túy Bảy, Lan. “Họ bị giam cùng buồng hoặc sát buồng Bùi Trọng Bảy hoặc Trần Thị Lan”, bà Tuyên kể, “Vì vậy, họ được nghe Bảy hoặc Lan tâm sự là 2 can phạm này đã vu khống cho một cán bộ công an tên là Phạm Đình Tiếng. Thực tế, Bảy và Lan không hối lộ ông Tiếng”.
Tôi muốn Bộ luật Tố tụng hình sự có những thay đổi, để không ai bị tạm giam kéo dài vô tận do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng
Bà Phan Thị Lệ Tuyên
“Tôi không có thẩm quyền kết luận 4 người đó nói đúng hay sai. Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, lời trình bày của họ cần được các cơ quan tố tụng thẩm định. Tuy nhiên, những người này giúp tôi có niềm tin nội tâm rằng chồng tôi bị oan” - bà Tuyên kể - “Tôi làm rất nhiều đơn kêu oan cho chồng. Do không được trả lời, tôi buộc làm đơn tố cáo những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của một số cán bộ điều tra trong vụ án của chồng tôi”.
Bà Tuyên cho biết, các luật sư bào chữa cho ông Tiếng đã đề nghị 4 nhân chứng đặc biệt trên viết lại những gì họ biết ra giấy, và đã nộp tài liệu đó cho tòa án. “Các luật sư đề nghị tòa mời họ đến tòa để thẩm vấn trực tiếp, tiếc rằng đề nghị này chưa được chấp nhận”.
Hồ sơ bị làm sai lệch?
Việc bà Tuyên tố cáo một số cán bộ điều tra, Tiền Phong từng đưa tin. Bà Tuyên gửi đơn tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTW), cơ quan này đã ủy thác cho Đảng ủy Công an T.Ư xác minh.
“Hôm làm việc với Tổ công tác Đảng ủy Công an T.Ư, tôi mang theo thẻ đảng viên”, bà Tuyên kể, “Tổ công tác lắng nghe, ghi chép rất cẩn thận. Tôi cung cấp cho họ những tài liệu chồng tôi để lại, cả các bản trình bày của bốn nhân chứng. Kết quả, tôi được Tổ công tác thông báo những điều tôi tố cáo là có
căn cứ”.
Hỏi “chị tố cáo chuyện gì”, bà Tuyên phân tích: Về hành vi “nhận hối lộ”, cơ quan tố tụng phải chứng minh nghi phạm không chỉ nhận tiền, mà còn làm hoặc không làm những việc có lợi cho người đưa tiền.
Trong vụ án ông Tiếng, CQĐT tìm được một tài liệu để cho rằng ông Tiếng đã làm những việc có lợi cho cặp vợ chồng ma túy Bảy - Lan, đó là bản danh sách 20 đối tượng ông Tiếng lập ra gồm Bảy - Lan và các đàn em.
Theo CQĐT, ông Tiếng không báo cáo cấp trên, chỉ dùng tài liệu này “hù” Bảy - Lan, vì vậy chuyên án lớn do Bộ Công an phối hợp với Công an TP Hà Nội xác lập đã thất bại, chỉ bắt được vài đối tượng “tép riu”, để lọt lưới những đối tượng cầm đầu. CQĐT xác định, Bảy - Lan đã “trả công” ông Tiếng 12 ngàn đô la Mỹ.
“Trong đơn tố cáo, tôi chứng minh tài liệu gốc bản danh sách 20 đối tượng đã bị bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án. Người ta “chế” một tài liệu khác, tẩy xóa những chữ bút phê trên đó (nhằm chứng minh ông Tiếng không báo cáo cấp trên), thậm chí làm giả con dấu cơ quan lưu trữ hồ sơ để đóng vào, rồi đưa tài liệu “chế” này vào hồ sơ vụ án”!
“Những hành vi đó có dấu hiệu tội phạm làm sai lệch hồ sơ vụ án”, bà Tuyên khẳng định, “Sau khi xác minh, giám định cả con dấu đóng trên tài liệu “chế”, Tổ công tác Đảng ủy Công an T.Ư kết luận tôi tố cáo có căn cứ. Vụ việc được báo cáo UBKTTW, tôi được biết Văn phòng CQĐT Bộ Công an được giao thụ lý tiếp”.
“Chỉ mong anh ấy được về”
Kể về 7 năm thăm nuôi chồng, bà Tuyên cười buồn: “Người bị tạm giam khổ lắm, nhất là tinh thần bị ức chế. Phạm nhân đến rồi đi, hết đợt này đến đợt khác, chồng tôi cứ ở đó. Ông ấy được phong là người bị tạm giam lâu nhất Việt Nam. Danh hiệu chẳng ai mong muốn”.
“Bảy năm qua, ấn tượng đọng lại trong tôi là những cuộc trao đổi với các luật sư, nhằm tìm ra phương án bào chữa cho ông Tiếng”, bà Tuyên kể, “Đến thời điểm này, tôi đã nghiên cứu đến mức gần như thuộc lòng hồ sơ vụ án”.
Bà Tuyên tâm sự: “Ông Tiếng có tội hay không có tội, điều đó thuộc thẩm quyền kết luận của tòa. Bảy năm chờ đợi mòn mỏi, kết quả nào đến với chồng tôi lúc này, tôi cũng thấy không quá quan trọng. Điều tôi mong mỏi là làm sao ông Tiếng sớm được về với gia đình. Các luật sư cho biết ông Tiếng hiện mắc rất nhiều bệnh, sức khỏe kém lắm”.
“Khi ông Tiếng bị bắt, thằng lớn nhà tôi đứng đến cằm bố nó. Nay cháu cao hơn bố nửa cái đầu. Ngoài việc chữa bệnh cho ông Tiếng, đối với tôi lúc này việc học hành của hai cháu là quan trọng nhất” – bà Tuyên nói.
Hỏi có định tố cáo đến cùng những sai phạm của một số cán bộ điều tra không, bà Tuyên nói: “Những ai đầu óc tỉnh táo đều có thể tự trả lời vì sao thời gian điều tra vụ án chồng tôi kéo dài kỷ lục như vậy. Tôi không chỉ muốn những đối tượng làm sai lệch hồ sơ phải bị xử lý, mà qua vụ án của chồng tôi, tôi muốn Bộ luật TTHS có những thay đổi, để không ai bị tạm giam kéo dài vô tận do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng”.