Bẫy cúm núm bằng băng ghi âm, thu tiền triệu mỗi đêm

Cúm núm mái 300 đến 400 gram giá 60.000 đến 70.000 đồng, cúm núm đực từ 90.000 đến 100.000 đồng/con. Một đêm, kiếm khoảng 20 con bán trên 1,2 triệu, coi như cả nhà sống khoẻ re.

Gà nước, vịt trời, cúm núm đều có nguồn gốc là chim rừng, hay trú ngụ, sinh sôi nảy nở ở những cánh rừng tràm và áp sát biên giới miền Tây.

Ông Mười Quốc (ấp Mẹc Lung, xã Vĩnh Hoà) kể, nghề gác cúm núm cũng lắm công phu. Trước hết, phải chọn mua con cúm núm mồi, kế đến học cách làm bẫy chân, bẫy lưới rồi đi tập sự, sau mấy mùa mới thành thạo, có được chiến lợi phẩm. Ai mà nóng tánh, hổng đi gác được đâu. Phải rình mò, như… ăn trộm vậy mới được.

Còn ông Ba Chắc ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Chợ Mới kể hành trình đi bẫy cúm nú, lấy thiết cuốn tròn như cái bông bí, đưa miệng vô kêu rát cuốn họng. Đầu hôm, cầm bông bí phát đi “cum, cum, cum…” tiếng gọi đàn; nửa đêm thì hạ giọng “cùm, cùm, cùm…” cho con mồi định vị; chừng hai đến ba giờ sáng lại đổi thành “cụp, cụp, cụp…” như thể tiếng con trống con mái đang gặp nhau. Người ta gọi là túc cúm núm chora vẻ điệu nhà nghề. “Đặt nhiều bẫy cùng lúc, cúm núm mắc bẫy thấy ham, cứ gỡ xong thì lại gài tiếp. Loay hoay liên tục, mà quên luôn buồn ngủ. Làm nghề gì, phải biết mê rồi khoái nghề đó, như vậy mới bền bỉ và sống được mãn năm", ông Chắc nói.

Nghề gác cúm núm ngày càng ít người làm trong khi giá loài này cao vọt.

Vậy mà, nghề này nuôi sống nhiều gia đình, khá lên đủ ăn đủ mặt và cả mua sắm trong gia đình. Chỉ cần quảy bẫy đi chừng một, hai tiếng đồng hồ thì mặc sức mà ăn. Mùa lúa, mùa mưa, lúc nước lên ngập đồng cũng đều vô số kể cúm núm.

Khi cây lúa mùa nổi ở Tứ giác Long Xuyên lui dần, cây lúa thần nông tấn lên, nghề gác cúm núm cũng thức thời hơn, đỉnh điểm hành nghề và cách thức gác cúm núm cũng tiến bộ, hiện đại hơn nhiều. Ông Nguyễn Văn Lưỡng ( ở kinh T4, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) cho biết, hiện nay người gác dùng băng ghi âm, đĩa CD, MP3, MP4… gì đó do mấy cơ sở trên Sài Gòn sản xuất, với giá khoảng một chỉ vàng, để gọi cúm núm. Còn bẫy thay bằng lưới chụp, lưới treo… đóng bến ven bìa rừng tràm, giữa đồng trống tha hồ mà bắt.

Gía cúm núm giao động từ 70.000 -100.000 đồng/con.

Hiện một con cúm núm mái khoảng 300 đến 400 gram giá từ 60.000 đến 70.000 đồng, còn cúm núm đực giá từ 90.000 đến 100.000 đồng/con. Nhưng đó là giá bán trong xóm làng, người quen biết, còn khách vãng lai thì phải cao gấp 2 đến 3 lần. Một đêm, kiếm khoảng 20 con trống và mái bán trên 1,2 triệu đồng, coi như cả nhà sống khoẻ.

“Hồi đó, cúm núm bán rẻ rề, ít ai ăn, lâu lâu mới thấy có người mua một, hai con. Còn bây giờ hổng đủ bán, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”, ông Ba Cua (cầu Lò Gạch, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn – An Giang) cho biết. Nghe đâu, bạn hàng thu gom rồi đem về mấy vựa lớn ở Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Đốc, Long Xuyên và đưa vào các nhà hàng sang trọng. Dân gác cúm núm khu vực Tứ giác Long Xuyên khai thác số lượng tuy ít hơn, nhưng tiền thu vô nhiều hơn, nhưng phải vô tới miệt rừng tràm, đồng lớn để có cúm núm to.

Bạn hàng bán lẻ cúm núm vùng biên giới Tịnh Biên – An Giang.

Ông Trần Thanh Diện ở Ba Bài, xã Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên nói thiệt tình: “Có cúm núm là có bạn hàng tới chỗ mua, hổng cần chở đi xa. Tiếng nói là động vật hoang dã, không được đánh bắt và mua bán, song ai cũng khoái do thịt ngon.

“Ngộ thiệt, mấy quán cóc ven đường thì hổng nói, có nhiều nhà hàng và quán ăn sang trọng cũng đưa món cúm núm vào thực đơn. Có lẽ, cúm núm thuộc loài chim rừng hoang dã, chúng ăn uống theo thiên nhiên, mùi vị thịt thơm phức nên ai cũng thích. Vả lại, thực phẩm chợ gần như mọi thứ đều nuôi, người ta ơn ớn thì phải", ông Diện nói.

Ông Mười Quốc chia sẻ: “Hai mùa lúa xong rồi, đâu có ai biết mần gì nữa. Sống ở ven rừng, phải nhờ vào rừng, cứ bắt chim, chuột ăn thôi. Mà ăn hổng hết thì đem đi bán lấy tiền xài. Đây còn là tập quán, sinh hoạt của dân vùng đất mênh mông… cò bay thẳng cánh như Tứ giác Long Xuyên này".

Theo Ngọc Trinh - Mỹ Hòa

Theo Zing