Bầu Đức có thể hả hê khi bầu Tú rút lui khỏi cuộc đua ghế Phó chủ tịch VFF. Một lần nữa, ông bầu của đội bóng phố Núi cho thấy chưa bao giờ là kẻ yếu thế ở VFF nói riêng, cũng như bóng đá Việt Nam nói chung. Điều quan trọng là ông Đức thích làm việc gì. Đầu tiên là “xoay” chiếc ghế HLV trưởng các ĐTQG theo ý mình và vừa qua là cuộc "tấn công" nhằm vào ông bầu Trần Anh Tú.
Với việc bầu Tú rút lui, vị trí kiếm tiền cho VFF chỉ còn lại 2 ứng viên: doanh nhân Trần Văn Liêng và Lê Văn Thành. Một là gương mặt “mới toanh”, với tiềm lực tài chính chưa xác định và người còn lại từng ứng cử cũng chiếc ghế Phó tài chính ở VFF nhưng thất bại.
Đặt lên bàn cân, nếu bầu Tú ứng cử, khả năng chiến thắng của ông so với 2 đối thủ trên là khá cao. Giờ thì VFF sẽ buộc phải lựa chọn 1 trong 2 ứng viên vốn không phải lựa chọn tối ưu cho một vị trí rất quan trọng.
Ở đây, sẽ là trọn vẹn trách nhiệm hơn nếu bầu Đức sau khi loại đi ứng viên tốt nhất, có thể giới thiệu 1 người thay thế ngang tầm cho chiếc ghế Phó chủ tịch VFF. Thực tế là lá phiếu đề cử của HAGL cho VFF đã bỏ trống vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài trợ. Ông Đức khi chỉ trích bầu Tú đã nhắc tới tên của 3 người cho chiếc ghế mình để lại, nhưng cả 3 đều không ra tranh cử.
Theo lộ trình, bầu Tú sẽ tiếp tục rút khỏi ghế Tổng giám đốc và Trưởng ban điều hành V-League. Tới khi đó, ông Tú sẽ chạm ngưỡng số chức vụ của chính bầu Đức trong quá khứ: Chủ tịch Tập đoàn HAGL, Chủ tịch CLB bóng đá HAGL, Phó chủ tịch phụ trách tài trợ VFF và Phó chủ tịch HĐQT VPF. Việc ông chủ 1 đội bóng lại nắm vị trí ở cả 2 tổ chức có thể tác động tới quyền lợi CLB là sự trái ngang bóng đá Việt Nam buộc phải chấp nhận suốt nhiều năm, còn bầu Đức nghiễm nhiên nắm mà không hề hấn gì như cách bầu Tú bị chỉ trích thời gian qua.
Ông Đức nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới hâm mộ bóng đá. Một phần trong đó là nhờ những ý kiến chỉ trích nhắm vào VFF và VPF và phần còn lại là đóng góp cho HAGL. Ở góc độ của VPF và VFF, thật khó xác định bầu Đức đã làm gì để tổ chức mà mình là lãnh đạo tốt hơn trong nhiệm kỳ 4 năm.
Một việc tối thiểu là tham dự đủ các cuộc họp của Thường trực hoặc BCH VFF, ông Đức cũng nhiều phen vắng vì bận công việc kinh doanh. Tuy nhiên, trong cuộc đấu đá ở thượng tầng VFF, thật bất ngờ khi có những ý kiến “quật” ngược lại, rằng VFF không tuân thủ quy chế hoạt động, bê trễ chuyện họp hành.
Về chuyện này, có thể lấy ý kiến của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng để sáng tỏ: “Tất cả các công việc cần thông qua Thường trực đều có lấy ý kiến bằng văn bản hoặc trao đổi cụ thể. Thời đại công nghệ thông tin, những chuyện nhỏ chỉ cần liên lạc qua điện thoại hoặc email, không lẽ chuyện bé tí cũng mất công từng nấy người bay ra, bay vào, ngồi 15 phút rồi về? Tiền bạc với thời gian đâu để làm những chuyện đó?”.