“Bầu Ðệ” - những góc cạnh

TP - Khởi nghiệp khi mới…về hưu bằng nghề buôn gạo, rồi chuyển sang làm vận tải, bệnh viện, hỏa táng, Doanh nhân Nguyễn Văn Ðệ - Chủ tịch Tổng Cty Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa, ông bầu bóng đá xứ Thanh một thời cho thấy là người không ngại đụng chạm.
Doanh nhân Nguyễn Văn Ðệ là người năng động, có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của cộng đồng DN.

Dại khôn, khôn dại

Nếu vụ cà phê “Xin chào” là tâm điểm về vấn đề môi trường kinh doanh ở phía Nam trước thềm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với cộng đồng doanh nhân (29/4/2016), thì sau đó ở phía Bắc, bầu Ðệ tại Thanh Hoá cũng “gây bão” dư luận với nhiều phát biểu gai góc nhắm đến quan chức sở ngành tỉnh này.

Nhắc lại câu chuyện của bầu Ðệ, người ta nhớ tới lần với tư cách đại diện cộng đồng DN xứ Thanh, ông đứng ra phản biện những kết luận của Sở Xây dựng, Nội vụ… tỉnh nhà. Ông cho rằng kết luận đó chưa khách quan, gây bất lợi cho hội viên, bản thân DN của ông cũng như ảnh hưởng môi trường kinh doanh chung của tỉnh, trái với tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN mà tỉnh đã ký cam kết.

Vì thế, ông đã “tố” nhau nảy lửa với ông Ðào Vũ Việt- GÐ Sở Xây dựng tại cuộc họp HÐND hồi cuối tháng 6. Rồi đến cuộc họp báo thường kỳ đầu tháng 8 của tỉnh, ông cũng “nổi đóa” với ông Giám đốc Sở TT&TT tỉnh này: “Anh ngồi xuống, tôi đến đây là phải được phát biểu, không đến lượt anh nói, đừng bưng bít thông tin, đừng có hỗn…".

“Ở cái tuổi lục tuần, tôi cũng chiêm nghiệm lại những việc làm, lời nói của mình có gì quá, hay hồ đồ không, nhưng tôi thấy không có lỗi gì phải hổ thẹn cả, vì nó phù hợp với nguyện vọng của đa số người dân, cộng đồng DN. Đương nhiên, có một số người, vì lợi ích nên họ không đồng tình, nhưng con số đó rất nhỏ”. 

Doanh nhân Nguyễn Văn Ðệ

Nhiều ý kiến đa chiều quanh cái kiểu và những lời phát biểu nghịch nhĩ của ông. Có người bảo ông Ðệ là chủ DN làm ăn trên địa bàn mà dám lớn tiếng với “quan tỉnh”, thế là dại mồm, là ngông, chỉ thiệt thân! Lại có ý kiến, rằng ở Thanh Hoá, ông Ðệ mà không nói, ít ai dám ý kiến vì sợ mang vạ! Nhưng có lẽ, ở góc nhìn nào, “sự đụng độ” đó đều khiến môi trường kinh doanh ở Thanh Hóa ít nhiều điều tiếng!

Và quả thực, một người tên tuổi như bầu Ðệ “bị đau” đã khiến nhiều DN hội viên lo lắng. Cũng có chuyện kể rằng, khi xảy ra “vụ” bầu Ðệ, một doanh nhân đầu tư ở xứ Thanh, đến giai đoạn khó khăn, muốn tìm đối tác bán nhà máy, nhưng “đốt đuốc” chẳng thấy ai. Có người hỏi mua xong, thấy bầu Ðệ còn bị thế, họ cũng “chuồn”.

Cũng lạ, đã qua 4 kỳ đại hội Hiệp hội DN xứ Thanh, nhưng ông Ðệ vẫn là người “vác tù và”, dù nhiều lần, ông kêu mệt mỏi muốn nghỉ ngơi.

Là người nhạy bén, thức thời, nên khi nghe thông điệp "Chính phủ kiến tạo, đồng hành với DN", ông Ðệ rất mừng nhưng vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng.

“Ðâu đó, đội ngũ công chức vẫn nghĩ rằng dân ra dân, quan ra quan, chưa có chuyện đồng hành, hay hỗ trợ. Thậm chí, DN như “cá nằm trên thớt”. Nghĩ đến đó, tôi lại nhớ cái khung cảnh buổi sáng, khi mà các lãnh đạo cao cấp nhất của tỉnh Ðồng Tháp, cùng ngồi uống cà phê và xử lý, tháo gỡ từng vướng mắc, kiến nghị cho DN… mà thèm”- ông Ðệ chia sẻ.

Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hợp Lực, một bệnh viện tư có uy tín tại khu vực miền Trung.

“Cướp diễn đàn” khi Thủ tướng chủ trì

Là doanh nhân nổi tiếng, thành đạt, nhưng ít người biết về bầu Ðệ với hơn 20 năm trong ngành công an. Sau khi về hưu (năm 1992), ông mới “khởi nghiệp” bằng nghề buôn gạo mưu sinh khi tuổi gần ngũ tuần. 

Ðại nghiệp của ông cũng lắm gian truân, thậm chí vài lần chết hụt! Trong một chuyến buôn gạo lên Cao Bằng, không may xe ô tô lao xuống vực. Ông nằm bẹp dưới đống gạo, người dân tưởng chết rồi, nhưng… trời cứu ông sống lại! Sau đó, trong một chuyến đi công tác với lãnh đạo tỉnh sang nước bạn Lào, xe ông Ðệ đi với anh em Ðài PT-TH Thanh Hóa bị mất lái lao xuống vực sâu. Nhưng rất may, 5 người trên xe vẫn… sống!

Sau thời buôn gạo, năm 1996, thấy các xí nghiệp ô tô của Nhà nước tan rã, ông đã nhanh nhậy, lập HTX vận tải Hợp Lực và gom họ vào HTX. Thế nhưng, thời vận lại thử thách, đẩy ông “lên bờ xuống ruộng”.

“Thời đó, cơ quan thuế bắt phải nộp thuế môn bài, cứ 60 xe là 60 thuế môn bài; rồi đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng… vô lý. Tôi kiến nghị thì họ xem tôi là thằng phá bĩnh. Tôi gọi lên tỉnh, nhưng không được, gọi ra Trung ương- Cục thuế cũng không xong. Hết đường! Xe bị giữ lại, xã viên mất việc làm, mọi thứ dồn vào chân tường!”- ông Ðệ nhớ lại.

Thế rồi, khi hay tin Thủ tướng Phan Văn Khải có một buổi gặp mặt với DN ở TPHCM (năm 2004), ông liều một phen, nhảy tàu hỏa vào Nam, với hy vọng được “tấu” tới người đứng đầu Chính phủ.

Bằng mọi cách, ông đã vào được hội trường. Biết dù có đăng ký cũng không được, nên sau bài phát biểu của lãnh đạo Bộ KH&ÐT, ông làm động tác giơ tay và đi thẳng lên bục xin phát biểu. Ðang đi lên bục thì mấy anh cảnh vệ, anh ninh giữ lại, nhưng rất may, Thủ tướng đã cho phép ông phát biểu.

“Tôi đứng trên bục với cái chân chất của một anh nhà quê, và nói rất thật về 5 kiến nghị liên quan đến HTX. Thủ tướng và cả hội trường ngồi nghe từ đầu đến cuối. Khi tôi kết thúc phát biểu, phía dưới hội trường có nhiều tiếng vỗ tay. Tôi đã bật khóc, rồi quệt nước mắt ra về”- ông kể.

Tối hôm đó ông đi ăn cơm bụi một mình, thì bất ngờ có một số điện thoại lạ gọi đến. Và người đó là ông Quách Lê Thanh, Tổng Thanh tra Chính phủ lúc bấy giờ. “Nghe bác ấy nói, Thủ tướng đã khen những kiến nghị rất thật của mình lúc sáng. Tôi lại rơi nước mắt! Thủ tướng cũng giao cho Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bấy giờ sẽ triệu tập Bộ Tài chính, Tổng cục thuế để làm việc”- ông nhớ lại.

Và sau đó 25 ngày, những kiến nghị của ông Ðệ đã được giải quyết. Lúc này, 100 xe chỉ cần một pháp nhân HTX nộp thuế môn bài là được. Ðặc biệt, ở TPHCM có HTX cả nghìn đầu xe, họ đã gọi điện động viên và cảm ơn ông. Hành động “liều” của ông Ðệ, đã cởi trói cho nhiều HTX, giúp họ mở ra thời kỳ mới.

Tiếp đó, ông Ðệ lại “xuyên phá” những đàm tiếu, dị nghị với y tế tư nhân. Ðể rồi, ông xây dựng bệnh viên tư có tầm cỡ ở khu vực miền Trung. Ở đó, thủ tục hành chính rườm rà bị dẹp bỏ, người dân bước chân vào Bệnh viện Hợp Lực không phải chịu cảnh xếp hàng chờ đợi hoặc phải phong bì lo lót bác sỹ, nhân viên y tế.

Cũng khoảng 3 năm trước, khi giới bệnh viện tư “thấp cổ bé họng”, nên đứng bên bờ vực. Ông Ðệ lại đứng ra thành lập Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam. Hiệp hội đã góp phần sửa gần 10 nguyên tắc trong các thông tư, nghị định, thậm chí trong Luật của ngành… Và bệnh viện tư đã khởi sắc trở lại.