Bất thường đấu giá mua thiết bị của doanh nghiệp Trung Quốc

TP - Dự án Thủy điện Đakđrinh xây dựng trên sông Đakđrinh (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) do Cty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh làm chủ đầu tư. 76,4% vốn điều lệ ở Cty này là của TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam.

Dự án Thủy điện Đakđrinh:

Bất thường đấu giá mua thiết bị của doanh nghiệp Trung Quốc

Theo quy định, dự án có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên phải áp dụng Luật Đấu thầu để chọn nhà thầu nên Cty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh đã tổ chức đấu thầu quốc tế gói “Cung cấp thiết bị, vật tư kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật” trị giá hàng chục triệu USD.

Đập và cống dẫn dòng thủy điện Đakđrinh Ảnh: Bảo Sơn.

Xét thầu ngược

Gói thầu có 3 nội dung chính. Một là thiết kế, chế tạo, cung cấp thiết bị đồng bộ và vật liệu, vật tư, phụ tùng của một nhà máy hoạt động phát điện và đưa điện lên lưới quốc gia. Hai là thử nghiệm, hoàn thiện, đóng gói và vận chuyển đến giao tại cảng Đà Nẵng. Ba là hướng dẫn và giám sát tổ hợp, lắp đặt, hiệu chỉnh, vận hành, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành.

Tóm lại, hoàn chỉnh một nhà máy phát điện an toàn công suất lắp máy 125 MW, tương ứng với công suất khoảng 540,9 triệu KWh/năm.

Ngày 14-10-2010, Cty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh phê duyệt hồ sơ mời thầu. Ngày 16-12-2010, Cty có quyết định thành lập Tổ chuyên gia xét thầu gồm 12 người, do ông Lê Văn Ninh, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh làm Tổ trưởng.

Cùng với ông Ninh còn có 3 người khác là cán bộ và chuyên viên của Cty này. Bên cạnh là 5 cán bộ và chuyên viên của TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Có 3 kỹ sư điện là chuyên gia độc lập, gồm các ông Vũ Huy Thông, Phùng Hồng Tuấn, Lê Gia Tài.

Có 9 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Tổ chuyên gia xét thầu đánh giá, chỉ một bộ hồ sơ đạt yêu cầu. Chuyên gia độc lập Vũ Huy Thông kể: “Chủ đầu tư yêu cầu lấy thêm hai nhà thầu nữa để làm đối trọng, trong đó có Dongfang Electric Corporation (Dongfang) thuộc Tập đoàn Điện khí Đông Phương của Trung Quốc”.

Thế nhưng hồ sơ của Dongfang có quá nhiều thiếu sót và không rõ ràng nên 8/12 người trong Tổ chuyên gia xét thầu không đồng ý cho vượt qua bước đánh giá sơ bộ.

Ông Thông cho biết, quy trình chấm thầu theo Luật Đấu thầu bắt buộc phải qua 3 bước. Tuy nhiên, theo ông Thông, “Chủ đầu tư lại chỉ đạo chấm luôn kỹ thuật”, “rồi chấm tiếp bước ba luôn, sau đó mới quay lại làm hồ sơ báo cáo bước một bước hai”. Cho nên, Dongfang không được Tổ chuyên gia đồng ý cho qua bước một nhưng vẫn được xem xét các bước sau.

Ngày 8-2-2011, Cty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh ra quyết định thành lập Tổ thẩm định kết quả đấu thầu, cho Dongfang trúng thầu. Ngày 22-4-2011, Hội đồng thành viên TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam có nghị quyết số 51 “chấp thuận mời nhà thầu Dongfang Electric Corporation vào đàm phán hợp đồng gói thầu”.

Gian lận, sử dụng con dấu giả

Vấn đề lớn nhất của nhà thầu Dongfang là thiết bị cung cấp cho nhà máy thủy điện không rõ nguồn gốc và tư cách người đại diện cũng như năng lực của nhà thầu chưa rõ ràng. Những nội dung này, quá trình làm việc của Tổ chuyên gia xét thầu đã yêu cầu bổ sung để làm rõ nhưng không được đáp ứng.

Cụ thể, “không có giấy phép năm sản xuất bản gốc đối với một số thiết bị chính (chỉ có một số bản photo đối với một số thiết bị). Nhiều thiết bị, hàng hóa chưa nêu rõ ký hiệu, mã sản phẩm”.

“Các nhà chế tạo không chứng minh được năng lực, không cung cấp được bản công chứng các hợp đồng tương đương, chứng chỉ ISO. Chứng chỉ ISO của nhà thầu cung cấp trong hồ sơ dự thầu là bản photo màu, hết hạn năm 2008”.

“Chưa có quyết định bổ nhiệm đối với người được ủy quyền ký đơn dự thầu. Giấy ủy quyền chỉ có dấu sử dụng cho gói thầu, không phải gói chính thức cho nhà thầu. Không cung cấp lý lịch trích ngang các chuyên gia thực hiện dự án”.

Theo các chuyên gia xét thầu, mấy lần giải trình, Dongfang còn thể hiện sự không trung thực. Yêu cầu làm rõ lần thứ nhất, Dongfang cung cấp tài liệu công chứng giả vì giữa bản tiếng Trung và bản dịch tiếng Anh có nội dung hoàn toàn khác nhau. Yêu cầu làm rõ lần thứ ba, Dongfang cung cấp tài liệu sử dụng con dấu giả.

Trong 12 người của Tổ chuyên gia xét thầu, không chỉ 3 chuyên gia độc lập mà 4 cán bộ và chuyên gia của TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng kiên quyết bảo lưu ý kiến “không đồng ý để nhà thầu Dongfang vượt qua bước đánh giá sơ bộ”. Một số thành viên còn vạch rõ, nhà thầu Dongfang bị lỗ năm 2008, vi phạm điều kiện tiên quyết của hồ sơ mời thầu.

Vì thế, Tổ chuyên gia xét thầu làm việc nhiều lần không thống nhất được việc cho Dongfang trúng thầu theo ý của chủ đầu tư. Tháng 2-2011, Tổ chuyên gia xét thầu làm việc không mời 3 chuyên gia độc lập nữa, tiếp đến Tổ chuyên gia cũng ngừng làm việc. Ra đời Tổ thẩm định của Chủ đầu tư phụ trách, xét cho Dongfang trúng thầu. Dù vậy, ngày 18-4-2011, TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam vẫn có thông báo yêu cầu “làm rõ năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu Dongfang Electric Corporation”.

Nhiều thành viên trong Tổ chuyên gia xét thầu khẳng định, một nhà thầu không vượt qua bước đánh giá sơ bộ nhưng vẫn được xét tiếp để cho trúng thầu là sai luật. Càng sai luật hơn, xét cho trúng thầu rồi mới yêu cầu bổ sung hồ sơ dự thầu cho hợp lệ.

Ông Vũ Huy Thông: “Tôi biết gói thầu này có nhiều cái sai, nhưng không được phép nói. Tôi tin nhiều chuyên gia chấm thầu khác cũng rất bức xúc và phát biểu thẳng thắn nếu có cuộc họp công khai. Theo tôi có thể xuất hiện hiện tượng thông thầu”.

Ông Vũ Huy Thông.

Ông Phạm Hồng Tuấn: “Theo như tôi đánh giá, việc xét thầu lần này, rồi cách chọn nhà đầu tư là chưa rõ ràng, mạch lạc, còn nhiều vấn đề cần phải bàn”.

Ông Phạm Hồng Tuấn.
Trường Giang ghi
Ông Vũ Huy Thông.
Ông Phạm Hồng Tuấn.
Ông Vũ Huy Thông.
Ông Phạm Hồng Tuấn.
Theo Báo giấy