Vận tải container sẽ là trọng tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ĐSVN. Ảnh: Bảo An.
Bắt tay “đại gia” container lớn nhất nước
Đáng chú ý nhất là sự kiện ĐSVN hợp tác toàn diện với Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG). Qua nhiều vòng thương thảo, tháng 9 vừa qua, Chủ tịch HĐQT ĐSVN Vũ Anh Minh trình Bộ GTVT chủ trương hợp tác với TCSG.
Theo đó, hai bên hợp tác xây dựng và kinh doanh hạ tầng kho bãi, thiết bị xếp dỡ, phát triển dịch vụ logistics đường sắt tại ga Sóng Thần – bãi An Bình, Diêu Trì, Yên Viên, Đông Anh và Đồng Đăng.
"Song hành cùng với việc Quốc hội, Chính phủ chấp thuận gói nguồn vốn trung hạn 7.000 tỷ để cải tạo hạ tầng nhằm tăng năng lực thông quan thì trách nhiệm của Tổng Cty ĐSVN là khai thác tối đa năng lực của hạ tầng. Trong đó, việc đầu tư các ICD và thiết bị bốc xếp là giải pháp ưu tiên bên cạnh các giải pháp về đầu tư đầu máy, toa xe, quản trị doanh nghiệp…"
Ông Vũ Anh Minh
Phương án trình Bộ GTVT là đầu tư hợp tác kinh doanh (BCC), không đơn thuần cho thuê mặt bằng như với bãi hàng container Yên Viên hay bãi hàng ga Đông Anh trước đây. Cụ thể, ĐSVN đầu tư các hạng mục chạy tàu (ĐS, đầu máy toa xe) và vận hành chạy tàu. TCSG đầu tư bãi hàng, thiết bị bốc xếp, tìm nguồn hàng, trả tiền thuê đất và thuê hạ tầng ĐS; sau thời gian hợp tác, bàn giao lại kho, bãi hàng cho ĐS.
ĐSVN từng hợp tác với các đối tác bên ngoài nhưng đây là đối tác có quy mô lớn nhất, trực tiếp vào vận tải hàng hoá – lĩnh vực quan trọng bậc nhất của ĐSVN hiện nay. Cụ thể, TCSG hiện là doanh nghiệp (DN) vận tải container lớn nhất toàn quốc; cơ sở cảng biển, cảng cạn, kho bãi, depot trải từ Bắc tới Nam với 50 công ty con, liên doanh, liên kết. TCSG cũng sở hữu 700 xe đầu kéo, xe tải vận tải nội địa, Lào, Campuchia và 81 sà lan, 4 tàu container. TCSG chiếm 50% thị phần container xuất nhập khẩu cả nước và 90 % khu vực phía Nam.
Với sự hợp tác này, hạ tầng ĐS được khai thác tối đa; ĐSVN có nguồn hàng lớn, ổn định; TCSG có thêm dịch vụ mới, hấp dẫn. Sự hợp tác kéo giá thành vận tải hàng hoá ĐS Bắc – Nam từ chỗ cao hơn vận tải biển từ 2-2,5 hiện nay về thế cân bằng; trong khi, hành trình bằng ĐS rút ngắn 2-3 ngày so với đường biển. Một container vận chuyển bằng ĐS cả hai chiều Bắc – Nam chi phí khoảng 27,1 triệu đồng, trong khi đường bộ là 73 triệu đồng cũng sẽ góp phần giảm tải, giảm tai nạn đường bộ.
Với sự hợp tác này, sản lượng hàng Bắc – Nam trên ĐS đến năm 2020 tăng 2 lần so với hiện tại, tăng 2-3 lần trên tuyến Hà Nội – Đồng Đăng. Sau 2020 tăng 2-3 lần trên tuyến Bắc – Nam và gấp 4-5 lần trên tuyến Hà Nội – Đồng Đăng.
Tiếp tục trải thảm đỏ
Giai đoạn 2001-2010, đầu tư cho ĐS là 4.800 tỷ đồng, chỉ chiếm 3,4% tổng vốn đầu tư của ngành giao thông. Tỉ lệ này ở mức 2,3% trong giai đoạn 2011-2015. Tương lai gần, đầu tư ĐS dù được Quốc hội, Chính phủ ưu tiên nhưng để tạo sức bật sớm nhất, xã hội hoá vẫn là lựa chọn sống còn.
Hiện, một số tuyến đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài như Hà Nội-Vinh, Vinh-Nha Trang và Nha Trang-TPHCM. Ngoài ra, dự án nâng cấp tuyến Yên Viên - Lào Cai, TPHCM-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, tuyến kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, ga Hà Nội, ga Giáp Bát; đặc biệt, cao Bắc-Nam đang có sự quan tâm của nhà đầu tư.
Chủ tịch ĐSVN mong nhận được sự hợp tác của các DN nước ngoài trong việc tư vấn, trao đổi kinh nghiệm xây dựng, cung cấp phụ kiện, tài chính… Gần đây, nhiều DN ĐS nước ngoài như Tập đoàn EVRAZ của Nga, Trung tâm Xuất khẩu Nga (REC), Cty Đầu máy Tư Dương Trung Xa - Trung Quốc bày tỏ mong muốn muốn hợp tác. ĐSVN cũng xúc tiến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cho công ty đầu máy xe lửa Gia Lâm và Dĩ An, nhằm đưa hai cơ sở này đạt tầm cỡ khu vực, phục vụ cho ĐS quốc gia và ĐS đô thị, hướng đến xuất khẩu.
Về vận tải hàng hoá, ngoài TCSG, ông Minh hy vọng tiếp tục hợp tác DN có tiềm lực, phát triển ICD dọc ĐS Bắc-Nam. “ĐS vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm đúng mức của các cấp, tôi hy vọng, tình hình sẽ thay đổi” – ông Minh cho hay.
Luật ĐS sửa đổi vừa thông qua có nhiều ưu đãi cho ĐS. Tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng ĐS được đảm bảo toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, miễn tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng hạ tầng ĐS. Cá nhân, tổ chức phát triển hạ tầng ĐS, mua sắm phương tiện, máy móc, thiết bị ĐS… được ưu đãi lãi vay, hưởng ưu đãi về thuế.