Thượng vàng hạ cám
Trưa ngày 2/9 (nhằm 15 tháng 7 âm lịch), nhiều chợ, cửa hàng, quán ăn tại TPHCM sẵn sàng các món chay phục vụ nhu cầu khách hàng.
Tại chợ Căn Cứ (Q.Gò Vấp), chợ Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân)…, tiểu thương bày đủ các loại đồ chay từ loại đã sơ chế đến thành phẩm, đặt trên chiếc bàn kê sát ra giữa đường để thuận tiện cho người mua. Nhiều thực phẩm như đậu hũ, chả giò, chả cá chay không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc, chỉ được đóng gói, bảo quản sơ sài bằng bao nilon, mặc cho nắng gió, bụi bẩn...
Hỏi người bán ngày sản xuất, cách sử dụng, bà Minh (tiểu thương chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh) trả lời ngắn gọn: “Hàng mới làm, sử dụng trong ngày. Chỉ cần tháo bao bịch áo nilon chứa thực phẩm là chế biến theo ý như luộc, xào, chiên, kho… Tất cả làm từ mì căn, bột mì pha trộn lại thôi nên cứ yên tâm”. Mỗi món giá từ 15.000-20.000 đồng/sản phẩm, được nhiều người chọn mua về ăn chay.
Thực phẩm chay ngoại của Mỹ, Thái Lan, Malaysia… cũng bày bán khắp các chợ mạng, trang thương mại điện tử. Livestream giới thiệu khách mua thực phẩm chay ngoại, Facebook Hàng xách tay nhập khẩu thu hút hàng trăm lượt tương tác, hỏi giá, đặt hàng… Tuy nhiên, theo một số người đã mua và sử dụng, sản phẩm giao tới tay không có nhãn phụ tiếng Việt, cũng như không thấy ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Thực phẩm chay ngoại cũng xuất hiện ở nhiều cửa hàng thuần chay tên tuổi tại TPHCM như cửa hàng chay Mộc (Q.1) chủ yếu nhập từ Nhật, Mỹ; cửa hàng thực phẩm chay Bảo Trí (Q.11) giới thiệu đủ thực phẩm chế biến sẵn được nhập từ Malaysia như cừu nướng, lẩu cừu, cừu xào nấm… Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm mới lạ như cá hồi, cà ri cá, trứng luộc, tạng động vật (bao tử vịt, gan vịt, tai heo), cua, sò điệp… giá 57.000-250.000 đồng/sản phẩm.
Khó kiểm soát
Trao đổi với báo Tiền Phong về hình thức xử phạt đối với cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), LS Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, đối với các cơ vi phạm, việc xác minh nguyên nhân rất cần thiết. Theo đó sẽ có mức xử phạt cho từng trường hợp cụ thể.
Theo Khoản 1 và Khoản 3 Điều 6 Luật ATTP năm 2010 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 1-4 người; từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạt tiền từ 80-100 triệu đồng.
Đồng thời, kèm hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3-5 tháng; tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 12-16 tháng đối với sản phẩm; tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20-24 tháng.
Tùy theo tính chất mức độ hành vi mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về ATTP theo điều 317 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017, hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Vậy người tiêu dùng có thể khởi kiện doanh nghiệp thực phẩm vi phạm để đòi quyền lợi? LS Hậu khẳng định: “Theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khiến nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe của mình”.
Lỗ hỏng trong quản lý thực phẩm
Theo LS Nguyễn Văn Hậu, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trước khi công bố sản phẩm phải trải qua trình tự thủ tục đăng ký bản hợp quy cho cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 15 ngày sau khi nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra tại cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
“Tuy nhiên, hiện nay, với tình hình thực tế, lực lượng làm công tác quản lý còn thiếu và yếu; trang thiết bị, dụng cụ, kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế; việc lấy mẫu kiểm nghiệm còn khó khăn. Việc phát hiện ra các chất độc tố, hoá chất tồn dư thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định phức tạp, chi phí lớn, thời gian dài, do đó việc cảnh báo, khuyến cáo cho người tiêu dùng chưa kịp thời. Phương tiện kiểm tra nhanh hiện nay chưa đủ căn cứ, cơ sở để cảnh báo. Một số cơ sở sản xuất chưa quan tâm nhiều đến việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hồ sơ nhiên liệu, phụ gia thực phẩm, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc. Việc thực phẩm Pate Minh chay có chứa độc tố có thể do việc kiểm tra chất lượng sản phẩm của cơ quan chưa được kĩ lưỡng hoặc sau khi kiểm tra tại cơ sở sản xuất thì quy trình mới có vấn đề, việc này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xác minh làm rõ vấn đề” – LS Hậu nhấn mạnh.