Báo cáo DDCI năm 2023 đánh dấu chặng đường 7 năm xây dựng và phát triển chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và chính quyền địa phương của tỉnh Lạng Sơn với tổ công tác DDCI Lạng Sơn và nhóm nghiên cứu độc lập Indochina Survey. Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố phải tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số DDCI; đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bộ chỉ số DDCI năm 2023 thực hiện đánh giá đối với 25 sở, ban, ngành và 11 UBND huyện, thành phố.
Bộ chỉ số này gồm 7 chỉ số thành phần bao quát các lĩnh vực hành chính có tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chung cho cả khối sở, ban, ngành, địa phương như: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; vai trò của người đứng đầu.
Ngoài ra, còn có 2 chỉ số về tính năng động, hiệu lực của hệ thống (đánh giá đối với các sở, ban, ngành) và chỉ số tiếp cận đất đai, tính ổn định trong sử dụng đất (đánh giá đối với khối địa phương). Kết quả do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Công ty Indochinasurvey (Hà Nội) thực hiện khảo sát cho thấy, điểm trung vị (số nằm giữa một nhóm các số) của DDCI khối sở, ban, ngành tăng từ 75,99 điểm năm 2022 lên 81,34 điểm năm 2023; trong đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) , Sở Tư pháp và Sở Tài chính tỉnh dẫn đầu khối sở, ban, ngành của tỉnh. Điều bất ngờ là những năm trước, Sở LĐ-TB-XH được xếp vào top giữa hoặc cuối, nay bứt phá soán ngôi đầu chỉ số DDCI.
Những lĩnh vực cải thiện rõ rệt đó là, vai trò người đứng đầu; tính năng động và hiệu lực của hệ thống; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng. Những lĩnh vực còn hạn chế, khiến doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng là chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tính minh bạch và tiếp cận thông tin.
Điểm trung vị của DDCI cấp huyện đạt 76,29 điểm, tăng 1,64 điểm so với năm 2022. Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc cải thiện chất lượng công tác điều hành kinh tế địa phương, nhất là ở các chỉ số về vai trò người đứng đầu; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Các huyện Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn nằm trong nhóm dẫn đầu của tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, kết quả đánh giá DDCI tỉnh Lạng Sơn là căn cứ để các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, từ đó tiếp tục phát huy những mặt đã làm được, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.