Bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số

Vi phạm bản quyền tác giả là chuyện không mới nhưng chưa bao giờ mất đi tính thời sự ở nước ta. Nhất là khi môi trường kỹ thuật số ngày càng phát triển, mở ra nhiều cơ hội và cũng đầy những thách thức, khó khăn trong vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả.

Vậy đâu là giải pháp giúp bảo vệ quyền tác giả, cũng như thúc đẩy hoạt động thực thi quyền tác giả ở Việt nam đặc biệt là trên môi trường số đang ngày càng phát triển. Những phân tích và chia sẻ mà luật sư Nguyễn Trần Tuyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH ELITE đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quan hơn xung quanh vấn đề này.

Trước tiên xin cảm ơn Ông Nguyễn Trần Tuyên đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thực trạng vi phạm quyền tác giả ở nước ta đã xảy ra khá lâu. Tuy nhiên khi internet phát triển, thì tần suất vi phạm lại càng phố biến hơn. Thưa ông Tuyên, ông có thể cho biết nguyên nhân của vấn đề này?

LS Tuyên trả lời:

Nguyên nhân của tình trạng xâm phạm bản quyền ở nước ta thì có nhiều, theo tôi, một số nguyên nhân chính dẫn đến tính trạng này có thể kể đến như sau:

Thứ nhất là hành vi xâm phạm, vi phạm bản quyền ngày nay thì vô cùng dễ dàng và nhanh chóng do sự phát triển như vũ bão của công nghệ in ấn, công nghệ sao chép, công nghệ lưu trữ và công nghệ truyền dẫn dưới dạng văn bản hoặc dưới dạng kỹ thuật. Với cuộc cách mạng công nghệ thông tin ngày nay, việc sao chép (copy), cắt, ghép tác phẩm trái phép, chiếm đoạt, mạo danh, chiếm đoạt tác phẩm bản quyền trên môi trường số qua máy tính (PC) hoặc điện thoại thông minh được thực hiện nhanh chóng với nhiều công nghệ và ứng dụng hỗ trợ người xâm phạm.

Thứ hai, trong khi hành vi xâm phạm thì dễ thực hiện nhưng chủ sở hữu quyền tác giả lại rất khó phát hiện do đặc thù của bản quyền là việc nhân bản rất dễ dàng mà không hề ảnh hưởng đến quyền sử dụng, khai thác tác phẩm của chủ sở hữu quyền. Đồng thời, với sự phát triển của công nghệ, kẻ xâm phạm bản quyền trên môi trường số, môi trường internet rất dễ dàng xóa dấu vết và bằng chứng xâm phạm khiến cho việc xử lý rất khó khăn, ví dụ việc xóa hay rút một bài viết, một video clip xâm phạm bản quyền có thể thực hiện trong vài giây ngay sau khi họ bị phát hiện khiến việc thu thập bằng chứng xâm phạm cho việc xử lý sẽ vô cùng khó khăn.

Nguyên nhân thứ ba là chủ sở hữu tác phẩm bản quyền và quyền liên chưa tích cực và chủ động tiến hành việc thực thi bảo hộ, chống lại hành vi xâm phạm quyền tác giả của mình. Nguyên nhân có thể là vì thủ thực thi thường rất khó khăn, phức tạp và tốn kém.

Nguyên nhân thứ tư là kiến thức và ý thức pháp luật về bản quyền tác giả của người dân chưa cao, họ có thể chưa biết đâu là hành vi xâm phạm bản quyền nên họ có thể thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền mà không biết.

Nguyên nhân thứ năm theo tôi là thủ tục thực thi bảo hộ quyền tác giả thường phức tạp gây tốn kém về thời gian, chi phí tài chính trong khi mức phạt, bồi thường thu lại có thể chưa tương xứng hoặc bù đắp được thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra.

Theo quy định hiện hành,

- Mức phạt tiền theo biện pháp hành chính (thủ tục xử lý VPHC): mức phạt tối đa với pháp nhân/Công ty là 500 triệu đồng và 250 triệu đồng với cá nhân vi phạm;

- Về chế tài dân sự, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần tối đa là 50 triệu đồng, bồi thường thiệt hại vật chất thì dựa theo bằng chứng thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm gây ra;

- Biện pháp hình sự (Điều 225 BLHS): hình phạt tối đa đối với (i) cá nhân: tiền 1 tỷ đồng hoặc 3 năm tù, (ii) với pháp nhân (Công ty) thì hình phạt tối đa là 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến 2 năm hoặc cấm kinh doanh, huy động vốn tối đa 3 năm.

Có một thực tế là hiện nay, có rất nhiều người vi phạm quyền tác giả trên môi trường số nhưng lại không nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Vậy thưa ông Tuyên ông có thể làm rõ hành vi như thế nào bị coi là hành vi vi phạm quyền tác giả trên môi trường số?

LS Tuyên trả lời:

Điều 28 Luật SHTT quy định rõ 28 loại hành vi xâm phạm quyền tác giả, bao gồm các hành vi xâm phạm quyền nhân thân tác giả như hành vi: chiếm đoạt, mạo danh, công bố, sửa chưa, cắt xén trái phép; hành vi xâm phạm quyền tài sản gồm: sao chép, sử dụng, cho thuê, làm tác phẩm phái sinh, nhân bản, xuất bản, phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép, hủy hoại các biện pháp bảo vệ tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu tác phẩm.

Trên môi trường kỹ thuật số (môi trường internet) các hành vi xâm phạm phổ biến thường là:

1) Hành vi sao chép trái phép:

ví dụ, một người thấy video clip bài hát hoặc đoạn phim hoăc đoạn quảng cáo của người khác, bài viết hay của người khác sao chép/copy về để đưa vào nội dung quảng cáo bán sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình thì người đó đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả: hành vi sao chép trái phép;

2) Hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm trái phép:

ví dụ: một người thấy video clip bài hát hoặc đoạn phim hoăc đoạn quảng cáo của người khác, bài viết hay của người khác sao chép/copy về rồi sửa chữa, cắt xén video clip, hoặc bài viết đó để đưa vào nội dung quảng cáo bán sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình thì người đó đã hành vi xâm phạm quyền tác giả: 2 hành vi: sao chép & cắt xén tác phẩm trái phép;

3) Hành vi mạo danh tác giả:

ví dụ: một người thấy video clip bài hát hoặc đoạn phim hoăc đoạn quảng cáo của người khác, bài viết hay của người khác sao chép/copy về rồi sửa chữa, cắt xén video clip, hoặc bài viết đó rồi viết tên mình thành tên tác giả để đưa vào nội dung quảng cáo bán sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình thì người đó đã hành vi xâm phạm quyền tác giả: 3 hành vi: sao chép, cắt xén tác phẩm trái phép và mạo danh tác giả;

4) Hành vi phổ biến tác phẩm đến công chúng trái phép

ví dụ, một người thấy, sao chép (copy) video clip bài hát hoặc đoạn phim hoăc đoạn quảng cáo của người khác, bài viết hay của người khác mà clip, tác phẩm đó chưa được công bố ra công chúng hoặc chưa được xuất bản để đưa vào nội dung quảng cáo bán sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình thì người đó đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả: 2 hành vi: sao chép và phổ biến tác phẩm trái phép.

5) Hành vi phá hoặc bẻ khóa (Crack) mật khẩu (password) hoặc bảo mật phần mềm để sử dụng và hoặc để bán, còn gọi là hành vi crack phần mềm.

6) Hành vi in (photo) chữ ký tác giả vào lại tác phẩm để bán, kinh doanh trái phép.

Từ thực tế trên, theo ông Chính phủ và các cơ quan quản lý sẽ cần phải có những biện pháp căn bản như thế nào nhằm hạn chế tình trạng vi phạm này?

LS Tuyên trả lời:

Theo tôi, để ngăn chặn và xử lý tình trạng xâm phạm bản quyền, Chính phủ cùng các các cơ quan thực thi quyền SHTT nên thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất là xây dựng hệ thống pháp luật SHTT hiệu quả hơn nữa. Theo đó, Nhà nước cần đầu tư đúng mức để nâng cao chất lượng bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trên thực tế như đầu tư cho việc đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan đăng ký và thực thi quyền SHTT, quyền tác giả, cải cách hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, các cơ quan thực thi quyền SHTT, Toà án … sao cho pháp luật SHTT vừa bảo hộ được quyền của các doanh nghiệp và vừa là công cụ thúc đẩy sáng tạo và năng suất kinh doanh của doanh nghiệp. Vid dụ, cần xem xét để sửa đổi các quy định về bằng chứng chứng minh thiệt hại trong biện pháp dân sự (khởi kiện tại Tòa) cần thông thoáng hơn nữa để chủ thể quyền thấy được biện pháp này là khả thi, có thể bù đắp thiệt hại của mình nhằm chủ động tiến hành biện pháp xử lý hành vi xâm phạm tại tòa án. Đồng thời, việc áp dụng thủ tục xét xử nhanh đối với các vụ việc xâm phạm bản quyền có bằng chứng rõ ràng để rút ngắn thời gian tố tụng tại Tòa.

Thư hai là nâng cao năng lực thực thi bảo hộ quyền SHTT, trong đó, về chính sách, quy định pháp luât: cần xem xét các chế tài xử lý đủ sức răn đe và phòng ngừa các hành vi xâm phạm, ví dụ: cần xem lại mức xử phạt VPHC tối đa là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với pháp nhân đã đủ sức răn đe hay chưa. Theo tôi mức phạt này là chưa đủ trong bối cảnh hiện nay, cần xem xét tăng mức phạt đủ sức răn đe các bên xâm phạm quyền tác giả trong môi trường số.

Thứ ba là nâng cao việc giảng dạy và phổ biến kiến thức pháp luật về SHTT nói chung và bàn quyền tác giả nói riêng cho người dân để nâng cao kiến thức và ý thức tôn trọng quyền SHTT, quyền tác giả của người dân. Theo tôi, Chính phủ nên nghiên cứu và sớm đưa việc giảng dạy môn luật SHTT vào trong trường học phổ thông từ cấp PTCS trở lên.

Thứ tư là các Cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả nên tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cá nhân tổ chức về các hành vi xâm phậm quyền tác giả ngăn ngừa tối đa các hành vi vi phạm, tranh chấp phát trinh trong môi trường số như hiện nay. Mục đích hướng tới là: Người dân tôn trọng, bảo vệ quyền SHTT và có thể sử dụng hệ thống pháp luật SHTT để làm động lực sáng tạo ra sản phẩm công nghệ mới, kinh doanh và làm giàu từ tài sản trí tuệ. Đó là cách mà các quốc gia phát triển, giàu có đang thực hiện.

Còn đối với chính các tác giả thì sao, họ cần phải làm gì để bảo hộ quyền của mình nhất là trên môi trường số hiện nay thưa ông?

LS Tuyên trả lời:

Theo tôi, để chủ động bảo vệ quyền của mình, chống lại các hành vi xâm phạm bản quyền trên môi trường kỹ thuật số, tác tác giả, chủ sở hữu quyền nên:

Thứ nhất, Chủ động đăng ký bảo hộ quyền của mình tại Cục bản quyền tác giả để có căn cứ pháp lý hỗ trợ việc xử lý xâm phạm nhanh chóng.

Thứ hai, chủ động tuyên bố quyền sở hữu của mình trên tác phẩm, đầu tư công cụ bảo mật tác phẩm ví dụ bán, phân phối tác phẩm qua App/ứng dụng điện thoại, làm công cụ bảo mật gắn vào từng tác phẩm, phân phối tác phẩm qua các công ty công nghệ truyền thông có bản quyền như Sptify, Nextlip, Youtobe, các hãng phim, hãng truyền hình....;

Thứ ba, chủ động phát hiện và phối hợp với cơ quan thực thi quyền để xử lý triệt để và ngay lập tức hành vi xâm phạm bản quyền;

Thứ tư, chủ động quảng bá, phổ biến các tác phẩm của mình đến công chúng và thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng/khách hàng, công chúng biết các hành vi xâm phạm, cách phân biệt tác phẩm gốc (chính thức có bản quyền) và các tác phẩm xâm phạm quyền, hậu quả pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền để người dùng biết và chọn dùng tác phẩm có bản quyền.

Thứ năm, chủ sở hữu quyền tác giả cũng cần có kế hoạch đóng góp vào việc phối hợp với các Cơ quan quản lý Nhà nước để phổ biến, giáo dục pháp luật SHTT và nâng cao ý thức bảo hộ quyền SHTT, bản quyền cho người dân và học sinh hoặc thông qua các dự án phổ biến về tác phẩm cũng như trao đổi về pháp luật bản quyền, quyền liên quan.

Xin cảm ơn Ông!

______________________________

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!